Phải xét nghiệm Covid-19 bao nhiêu lần?

(khoahocdoisong.vn) - Sự phức tạp của biến chủng virus SARS-CoV-2 khiến các xét nghiệm sàng lọc ban đầu khó khăn hơn, khả năng dương tính và âm tính giả cao. Việc cách ly cũng phải được thực hiện dài hơn.

Virus lẩn trốn khiến kit xét nghiệm khó phát hiện hơn

Dịch Covid-19 hiện bùng phát ở nhiều địa phương. Để sàng lọc các trường hợp có tiếp xúc với các F0, nhiều địa phương đã huy động lực lượng thực hiện test sàng lọc cho hàng nghìn người mỗi ngày. Tuy nhiên, một số bạn đọc khi theo dõi kết quả xét nghiệm của các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 có thắc mắc là kết quả xét nghiệm có lúc âm tính, có lúc lại dương tính. Kết quả xét nghiệm nào mới là chính xác, phải xét nghiệm bao nhiêu lần mới có thể khẳng định trường hợp đó dương tính thực sự? Các yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm dương tính hoặc âm tính?

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, bản thân các kit xét nghiệm nhanh có xác suất chính xác chỉ đạt khoảng 90%, nghĩa là có một tỷ lệ sai lệch (độ đặc hiệu) nhất định. Dẫn đến lần này cho kết quả âm tính, lần sau lại dương tính. Phương pháp xét nghiệm Real Time PCR thì có độ nhạy đến 99% với virus, nhưng cũng vẫn có sai sót bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có sự phức tạp của virus Covid-19. Bản thân virus rất phức tạp, có người nhiễm sau một thời gian ngắn thì virus biến mất, nhưng có người virus tại tồn tại đến mấy tuần trước khi có triệu chứng. Rồi không chỉ tồn tại ở đường hô hấp, virus còn có thể trú ngụ trong máu, trong nhiều cơ quan khác.

Độ chính xác của các xét nghiệm vì thế thấp hơn, nên phải thực hiện nhiều lần với người có nghi ngờ nhiễm virus mới có thể kết luận được. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm là mức độ chính xác của kit xét nghiệm, thời gian lấy bệnh phẩm, loại bệnh phẩm, hệ miễn dịch của từng người. Đơn giản như loại bệnh phẩm, hàm lượng virus trong bệnh phẩm đó như thế nào, ngưỡng phát hiện của kit chẩn đoán ra sao. Mẫu bệnh phẩm càng ít virus thì càng khó phát hiện. Hay khi sử dụng công nghệ xét nghiệm Real Time PCR có độ chính xác rất cao, nhưng mẫu bệnh phẩm lấy ở vị trí nào, quá trình vận chuyển bệnh phẩm ra sao… cũng dẫn đến dương tính hoặc âm tính giả. Xét nghiệm vẫn là phương pháp duy nhất xác định người nhiễm virus Do đó, người nghi nhiễm phải thực hiện liên tiếp nhiều xét nghiệm, trong quá trình đó phải được cách ly.

Tăng thời gian cách ly để phá vỡ chuỗi lây truyền của virus

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, một vấn đề cần phải quan tâm đối với dịch bùng phát lần này là cách ly. Đa số trường hợp dương tính lần này là do sơ suất trong khâu cách ly. Việc cách ly 14 ngày không còn chính xác với biến chủng virus phức tạp hiện nay mà phải tăng thời gian cách ly lên 21 ngày hoặc nhiều hơn. Người sau cách ly phải có ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bằng cách hạn chế đi lại, tiếp xúc. Trên thực tế, cách ly 21 ngày đã được thảo luận trong bối cảnh Ebola bùng phát trên thế giới cách đây vài năm và tính toán dựa trên thời gian ước tính virus ủ bệnh trên người. Thời gian 21 ngày được đưa ra từ các phân tích về dữ liệu bùng phát dịch bệnh trong quá khứ và hiện tại.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định: Các quy định về cách ly tập trung của Việt Nam đều rất chặt chẽ, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là phải tuân thủ thực hiện, chỉ cần buông lỏng 1 khâu dù nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch Covid-19. Về mặt dịch tễ học, virus SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh (từ khi virus xâm nhập cơ thể đến lúc bắt đầu triệu chứng) là 14 ngày. Đây là lý do vì sao ban đầu có mốc này. Việc chúng ta phong tỏa, giãn cách, cách ly tập trung trong 21 ngày là để phần virus còn sót lại bị tiêu diệt hoàn toàn. 3 tuần là thời gian để chắc chắn bạn an toàn và cũng phá vỡ chuỗi lây truyền của virus. Việc tăng thời gian cách ly nhằm giảm thiểu rủi ro lọt virus ra ngoài cộng đồng là cần thiết. Ngay cả sau thời gian cách ly cũng cần hạn chế tiếp xúc.

“Trong tất cả các biện pháp thì ý thức con người là quan trọng nhất. Mỗi người hãy có ý thức bảo vệ mình bằng cách thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế tụ tập đông người, có biện pháp bảo vệ khi tiếp xúc. Mỗi người tự hạn chế tiếp xúc sẽ phá vỡ từng mắt xích của virus, việc khống chế dịch bệnh khi đó mới có hiệu quả”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Theo Đời sống
back to top