Nhiều sai phạm
Bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay còn có tên Maya Dangelas) là người sáng lập Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) – Chủ đầu tư của Khu công nghiệp Tân Tạo (KCN). Đây cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được cấp đất phát triển khu công nghiệp.
Khu công nghiệp Tân Tạo, nằm dọc theo Quốc lộ 1A, phía Tây Nam của TPHCM, thuộc quận Bình Tân, cách trung tâm TPHCM 12km, cách Sân bay Tân Sơn Nhất 12km, cách cảng Sài Gòn 15km. Đây là vị trí khá quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế của TPHCM, là đầu mối giao thông của khu vực và các tỉnh miền Tây.
KCN Tân Tạo của ITACO bao gồm 2 khu: Khu hiện hữu và Khu mở rộng với tổng diện tích theo thiết kế ban đầu là 443,25ha.
Dự án KCN Tân Tạo hiện hữu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/1996 với diện tích là 181ha, vốn đầu tư là 500 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/12/2006, diện tích đất và nhà xưởng tại Khu công nghiệp hiện hữu đã cho thuê đều đạt tỷ lệ gần 100%, vốn đầu tư thu hút đạt 4.477,283 tỷ đồng và trên 122,671 triệu USD.
Tiếp tục sự thành công của KCN hiện hữu, ITACO đầu tư dự án KCN Tân Tạo mở rộng với vốn đầu tư là 900 tỷ đồng, tổng diện tích theo thiết kế là 262,25ha sau đó điều chỉnh giảm làm hai khu tái định cư xuống còn lại 212,55ha. Dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2000.
Một báo cáo của ITACO cho thấy, giá thuê đất tại KCN Tân Tạo là khoảng 80 - 100USD/m2/45 năm; Giá thuê mua nhà xưởng tiêu chuẩn Khu Hiện hữu khoảng 3,2 - 3,8USD/m2/tháng; Giá thuê mua nhà xưởng tiêu chuẩn Khu Mở rộng khoảng 3,2-3,6USD/m2/tháng, trả hàng tháng trong thời gian 10 năm; Giá thuê mua phần Văn phòng là 4USD/m2/tháng, trả hàng tháng trong thời gian 10 năm.
Tuy ITACO được cho là doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, sở hữu quỹ đất “khủng”, nhưng đến nay đã có rất nhiều sai phạm xảy ra tại KCN Tân Tạo và Khu mở rộng.
Cụ thể như, tại KCN Tân Tạo, ITACO đã ký hợp đồng cho thuê lại đất với một số ngân hàng không đúng theo quy hoạch được duyệt; thuê đất để xây dựng công trình công nghiệp nhưng cho thuê lại hoặc đầu tư xây dựng công trình không đúng mục đích được quy hoạch, thu lợi bất hợp pháp hơn 98,1 tỷ đồng và hơn 233,8 nghìn USD.
Bên cạnh đó, ITACO đã tự ý chia tách một số khu đất đã quy hoạch để xây dựng không đúng mục đích hoặc cho các doanh nghiệp khác thuê lại với tổng diện tích hơn 10,4 nghìn m2, thu lợi bất hợp pháp hơn 9,5 tỷ đồng, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên vài tài sản của Nhà nước.
Tại đây, Ban Quản lý KCN cũng đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền với tổng diện tích hơn 95,7 nghìn m2 tại các khu đất đã được quy hoạch để xây dựng với mục đích khác; cấp phép xây dựng vượt so với quy hoạch (Công ty CP S.P.M vượt 2 tầng, Công ty CP Khai thác và Phát triển Kho vận Tân Tạo vượt 2 tầng, Cty TNHH Việt Nam Paiho vượt 4 tầng)…
Trong khi đó, KCN Tân Tạo mở rộng còn cho 93 nhà đầu tư thuê lại đất đã thu về tổng số tiền hơn 1.041 tỷ đồng và hơn 5,8 triệu USD trong giai đoạn trước ngày 1/7/2014 nhưng đến nay chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Cho 5 nhà đầu tư gồm: Công ty CP Dược DANAPHA, Công ty TNHH Dây sợi Rồng Á Châu, Công ty TNHH S.T.D & S, Công ty TNHH MTV SX và TM Mỹ phẩm Đăng Dương, Công ty TNHH Sản xuất TM XNK Tạ Minh Quang thuê lại đất trong giai đoạn từ 1/7/2014 đến thời điểm tháng 9/2017 với hình thức thu tiền 1 lần hơn 142,5 tỷ đồng, trong khi quy định chỉ được cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Ngoài các dự án KCN Tân Tạo và KCN Tân Tạo mở rộng kể trên thì ITACO đã và đang đầu tư nhiều KCN với quỹ đất lớn khác như: KCN Tân Đức, KCN Sài Gòn – Mekong.
Nhiều sai phạm xảy ra tại KCN Tân Tạo. |
“Cố sức” tại nhiệt điện Kiên Lương
Không chỉ bất động sản, ITACO còn có tham vọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Ngày 25/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho ITACO làm chủ đầu tư loạt dự án của ITACO.
Đó là Nhà máy điện Kiên Lương 1 công suất 1.200MW, thời gian đưa vào hoạt động 2013 - 2014; Nhà máy điện Kiên Lương 2 công suất 1.200 - 2.000MW, thời gian đưa vào hoạt động 2015 - 2016 và cảng nước sâu Nam Du. Năm 2009, ITACO đã khởi công xây dựng hạ tầng cho Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương công suất 4.400MW.
Việc đầu tư cho dự án năng lượng này, Báo cáo tài chính năm 2020 của ITACO cho thấy, số tiền Tập đoàn Tân Tạo còn phải thu từ việc cho Công ty CP đầu tư và phát triển năng lượng Tân Tạo (TEDC) thuê đất thực hiện dự án nhiệt điện Kiên Lương là 1.287 tỷ đồng.
Ngoài ra, ITACO còn khoản đầu tư tài chính tới thời điểm cuối năm 2020 với Công ty CP Năng lượng Tân Tạo (TEC – doanh nghiệp cũng thuộc Tập đoàn Tân Tạo) là 38 tỷ đồng. Ghi nhận tại thời điểm này TEC là chủ đầu tư phát triển dự án Nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang). Trong tháng 12/2015 TEC đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương về cam kết đầu tư và phát triển dự án Nhiệt điện Kiên Lương theo hình thức BOT trên đất mà TEDC đã thuê từ Tập đoàn Tân Tạo và TEDC đã góp vốn vào TEC.
Tuy nhiên, điều đáng nói là dự án Nhiệt điện Kiên Lương lại không nằm trong danh mục các dự án điện được quy hoạch theo Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Chính vì vậy, Ban Giám đốc của TEC đã có các văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan ban ngành để xin các phê duyệt cần thiết nhằm đưa dự án Nhiệt điện Kiên Lương vào Quy hoạch điện 8.
Hiện, Quy hoạch điện 8 còn chưa được ban hành và dự án cụm nhà máy nhiệt điện của ITACO cũng đã hơn 10 năm qua chưa thể hẹn ngày hoàn thành.