Nông sản dồn ứ vì Corona: Biến nguy thành cơ

(khoahocdoisong.vn) - Trung Quốc đã mạnh mẽ hạn chế nhập khẩu từ biên giới do lo ngại ảnh hưởng của virus corona chủng mới. Do đó, hàng nghìn tấn nông sản đã bị dồn ứ tại các cửa khẩu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, tại cửa khẩu Tân Thanh, 5.000 tấn nông sản bị ùn ứ lại, nhưng hằng ngày vẫn có từ 20 - 30 xe hàng lên cửa khẩu. Lạng Sơn đã mở đường riêng để khơi thông hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, nhưng nhiều xe sang được nước bạn cũng không tiêu thụ được vì chợ đầu mối đã đóng cửa.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dịch bệnh gây tổn thương tất cả các ngành kinh tế, nhưng nông nghiệp tổn thương lớn nhất vì Trung Quốc chiếm 22-24% kim ngạch xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Trung quốc đạt 8,47 tỷ USD trên tổng kim ngạch 41,3 tỷ USD. Trong đó có một số nhóm nông sản, thị trường Trung Quốc chiếm phần lớn, như thanh long chiếm tới 80%.

Dịch bệnh cũng khiến các hoạt động thương thảo thương mại, đầu tư cũng bị ảnh hưởng lớn. Nhiều nội dung thương thảo đã đàm phán giữa hai bên phải dừng lại.

Ông Trần Quốc Khánh - thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, tình hình dịch bệnh có thể khiến hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng trong ngắn hạn và trung hạn (từ 6 - 8 tháng) do nhu cầu tiêu thụ giảm, như chuỗi thức ăn nhanh, chuỗi nhà hàng đóng cửa hàng trăm cửa hàng.

Để giải quyết những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp dự kiến sẽ tiến hành xúc tiến thương mại tới các thị trường tiềm năng nhưng đang bị bỏ ngỏ như Trung Đông,... tiếp tục đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Nga, Braxin...

Ngoài ra, Bộ sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong Quý I/, Quý II/2020 để tháo gỡ khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất của nghành nông nghiệp theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, chuỗi liên kết lớn. Biến thách thức thành thời cơ, bàn giải pháp tái cơ cấu sâu sắc hơn ngành nông nghiệp, chứ không chỉ rủi ro mới bàn biện pháp, chắp vá.

Theo Đời sống
back to top