Nỗi đau tâm thần Kỳ 3: Tưởng mình là thánh thần hóa ra tâm thần phân liệt

(khoahocdoisong.vn) -Chỉ một lần bị "vong nhập" người thanh niên ấy đã hoang tưởng mình là thánh thần. Kết luận của bệnh viện, anh bị bệnh tâm thần phân liệt.

Mắc tâm thần sau lần bị "vong nhập"

Mỗi người đến với khoa Tâm thần là một chứng bệnh khác nhau. Nét mặt ngây  ngô, tiếng cười vô hồn của họ như những mũi dao xé lòng những người nhà chăm sóc.

Một góc nhỏ của Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, những bệnh nhân đang xúm lại để được một bệnh nhân tự nhận là "thầy” xem tay, xem tuổi, xem tướng… Khi chúng tôi bước lại gần, nhiều người còn rủ: “Nhà báo xem bói không”. Còn người vợ của anh lặng lẽ giấu những giọt nước mắt như chảy vào tim…

Anh là H. quê Quảng Ngãi, vào viện với chẩn đoán tâm thần phân liệt. Người vợ trẻ cố kìm nước mắt trong đôi mắt hằn sâu những nếp nhăn vì bao đêm mất ngủ trông chồng chia sẻ, trước đó, anh là cán bộ nhà nước, chị là giáo viên. 

Cách đây 10 năm, anh H. cùng người nhà đi gọi hồn cho một người bác. Người bác "nhập" vào anh và từ đó anh bỏ công chức nhà nước, lúc nào cũng nghĩ mình là thầy, xem tướng, xem bói cho mọi người. Anh luôn cho rằng, mình được ăn lộc, là người cõi trên mà không biết mình đang mắc chứng bệnh hoang tưởng. Rồi những đêm mất ngủ, những cơn đập phá, những lần định tự tử… khiến anh phải nhập viện…

Đớn đau thay, khi chi họ nhà anh đã có 3 đời đã từng bước vào khoa bệnh này. Gần 10 năm, 8 lần nhập viện. Mỗi lần đều phải trói chân, tay đưa anh vào. Bởi không có người bệnh nào nhận rằng mình bị tâm thần. Anh H. cũng vậy…

Cùng trong phòng bệnh với anh H. là Tuấn, năm nay mới 25 tuổi, nhưng gầy gò và già giống như người 40. Người mẹ 70 tuổi từ quê Quảng Bình lên chăm con, giọng bùi ngùi: Cháu đi lao động nước ngoài được 2 tháng thì phá phách, nói liên thiên, công ty môi giới cho về nước. Nợ tiền đi chưa trả được, lại phải vay thêm để chạy chữa và đau đớn nhất là con lại mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ở nhà có vợ và con nhỏ 7 tháng tuổi. 4 năm mắc bệnh, 9 lần nhập viện. Gia đình neo người, chỉ có bố nó 80 tuổi và tôi thay phiên nhau trông…

Bẻ lại cái cổ áo, lau miệng cho con, người mẹ già nói: Nó suốt ngày uống nước tăng lực. Ở quê tôi đi nhặt đồng nát, có vỏ hộp nó cứ ra lấy để tìm xem có sót không mà uống. Vào đây lần này được 8 ngày rồi, ngủ tốt hơn, có những lúc tỉnh lại thương mẹ, khóc như đứa trẻ, nhớ vợ, thương con. Lúc mê thì đuổi mẹ, đánh bố, phá đồ… cứ phải trông như đứa lên 2 tuổi…

Tâm thần phân liệt có tính chất di truyền

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh phổ biến trên thế giới. Theo các thống kê của nhiều nước, tỷ lệ bệnh chiếm 0,3-1,5 % dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất khác nhau ở từng quốc gia và tùy từng nghiên cứu của các tác giả. Tại các bệnh viện tâm thần, bệnh nhân TTPL nhập viện lần đầu tiên chiếm khoảng 25%, song TTPL chiếm tới hơn 50% cơ cấu trong các bệnh tâm thần. Bệnh nhân TTPL có tỷ lệ tự sát cao (50% bệnh nhân có ý định tự sát, 10% tự sát thành công).

GS.TS. BSCC Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Nội  cho biết, các nghiên cứu cho thấy, nếu cả bố và mẹ bị bệnh TTPL thì 68,1% con cái của họ cũng mắc. Nếu bố hoặc mẹ hoặc các anh, chị, em ruột bị TTPL thì nguy cơ mắc bệnh cao (17%). Nếu 1 trong 2 đứa trẻ sinh đôi cùng trứng bị TTPL thì 86,2% đứa kia cũng bị bệnh TTPL, ngược lại ở các đứa trẻ sinh đôi khác trứng thì tỷ lệ này là 16,4% .

Theo các nghiên cứu khác, ở trẻ sinh đôi cùng trứng, nếu sống xa nhau thì nguy cơ bị bệnh là 78%. Điều đó nói lên rằng môi trường cũng ảnh hưởng đến phát sinh của bệnh. 

Vấn đề di truyền trong bệnh TTPL là rõ ràng, song chưa thể khẳng định được là bệnh do một gen đơn độc gây ra. Một vài nghiên cứu cho rằng gen di truyền bệnh TTPL nằm trên nhiễm sắc thể số 5, song các nghiên cứu sau đó lại không khẳng định được điều này.

 Tâm thần có khoảng hơn 300 loại bệnh và được chia làm 10 nhóm, trong đó TTPL là một bệnh nặng. Những khó khăn trong chẩn đoán bệnh TTPL là thiếu các tiêu chuẩn lâm sàng và cận lâm sàng khách quan do sự hiểu biết chưa đầy đủ về các mắt xích chủ yếu trong cơ chế bệnh sinh. Vì vậy, cho đến nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và dự phòng bệnh TTPL. Nhiều phương pháp điều trị được áp dụng, nhưng bệnh chỉ thuyên giảm ở các mức độ khác nhau và không xác định được khả năng khỏi bệnh hoàn toàn.

Phạm Hằng

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top