Ninh Thuận: Thiếu truyền tải, vẫn muốn thêm nguồn phát điện mặt trời

(khoahocdoisong.vn) - Là địa phương có số dự án điện mặt trời (ĐMT) lớn nhất cả nước, hệ thống truyền tải điện của tỉnh Ninh Thuận đang không phát triển kịp với số lượng nhà máy phát điện. Dẫu thế, Ninh Thuận vẫn đề nghị bổ sung quy hoạch để xây dựng dự án Nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam là chủ đầu tư.

Vượt xa dự kiến

Tháng 7/2019, Hội nghị vận hành các nhà máy điện mặt trời và gió các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức, dưới sự chủ trì của ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN.

Thông tin từ hội nghị cho thấy, tính cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240MW.

Trong khi nguồn phát tại chỗ rất lớn, thì nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Theo tính toán cân bằng công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia, phụ tải tại tỉnh Ninh Thuận từ nay đến tháng 12/2020 chỉ dao động từ 100 - 115MW và Bình Thuận từ 250 - 280MW. Do đó, công suất cần phải truyền tải từ 2 địa phương này cũng rất lớn, với Ninh Thuận là từ 1.000 - 2.000MW và Bình Thuận là từ 5.700 - 6.800MW (bao gồm cả các nguồn điện truyền thống). 

Theo tính toán, phát triển nóng đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110 - 500kV trên địa bàn hai tỉnh đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức mang tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Hồ sơ của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam trình Chính phủ do Công ty CP xây dựng điện 4 xây dựng đề án.

Hồ sơ của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam trình Chính phủ do Công ty CP xây dựng điện 4 xây dựng đề án. 

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (A0) cho hay, ngay từ đầu, việc quá tải lưới điện đã được EVN/A0 cảnh báo tới các chủ đầu tư, rất công khai, minh bạch. Hiện nay, EVN/A0 cũng áp dụng mọi giải pháp, sáng tạo, nghiên cứu để tạo điều kiện cho các nhà máy được phát điện ở mức tối đa.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đều đã biết trước việc quá tải lưới truyền tải và phải tiết giảm công suất. Việc cần làm trước mắt là tìm giải pháp để đẩy nhanh các dự án lưới điện truyền tải.

Việc quá tải hệ thống lưới truyền tải buộc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (A0) phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Việc tăng/giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đều được A0 thực hiện theo quy định bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời. Đặc biệt, A0 cũng ứng dụng phần mềm Tự động điều chỉnh công suất (Automatic Generation Control - AGC), trực tiếp điều khiển công suất các nhà máy năng lượng tái tạo, nhằm duy trì trao lưu công suất trong ngưỡng cho phép.

Tại Hội nghị, A0 cũng cho hay, con số cắt giảm 60% công suất như một số chủ đầu tư nêu ra và đang được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ là con số ở một thời điểm nhất định. Nếu tính trung bình ngày, trong tháng 6 và tháng 7/2019, công suất cắt giảm chỉ dao động ở mức 30 - 35%.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, EVN/A0 cũng mong muốn được phát hết công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo, bởi giá điện năng lượng tái tạo dù có đắt (2.086đ/kWh), nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu (3.000 - 5.000đ/kWh). Trong khi đó, hiện nay, EVN vẫn đang phải huy động nhiệt điện dầu để đảm bảo cung ứng điện đáp ứng nhu cầu phụ tải. Trong chế độ huy động nguồn, các nguồn năng lượng tái tạo cũng luôn được ưu tiên huy động tối đa theo quy định.

"Chúng tôi đã dồn toàn lực trong thời gian qua để mong các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống. Nhưng hiện nay phải giảm công suất do quá tải lưới điện, là điều mà EVN/A0 không hề mong muốn", ông Cường khẳng định.

Nhưng tỉnh vẫn muốn bổ sung?

Mới đây, tỉnh Ninh thuận có văn bản kèm theo hồ sơ gửi các Bộ Tham gia ý kiến về bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Trước đó, ngày 2/1/2018 UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản số 08/UBND–KT ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất đối với dự án Nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam; Ngày 15/08/2018 UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản số 4413/UBND –KTTH về Chủ trương khảo sát,  mở rộng quy mô Nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam.

Kế hoạch sử dụng đất của Dự án.

Kế hoạch sử dụng đất của Dự án. 

Theo hồ sơ,  nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam được xây dựng dự kiến là 560MWp (450MWac) được vận hành vào năm 2020. Vị trí xây dựng có tiềm năng năng lượng mặt trời tốt khoảng 5,5kWh/m2/ngày.

Trong phần kết luận và kiến nghị của hồ sơ trình Thủ tướng, Chủ đầu tư khẳng  định sẽ xây dựng trạm 500kV trong khu vực và đưa vào sử dụng năm 2020 sẽ đảm bảo cho lưới điện không xảy ra quá tải trong khi vận hành.  

Chưa biết, ý kiến của các Bộ về dự án nhà máy điện này như thế nào. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay các nhà  máy ĐMT đang phải cắt giảm công xuất, bù lỗ. Đặc biệt, việc ưu đãi về giá mua điện sạch (điện gió, ĐMT) theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của  Thủ tướng ban hành tháng 4/2017 đã hết  hiệu lực ngày 30/06/2019, việc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam vẫn tiếp tục đề xuất bổ sung vào mạng lưới Quy hoạch thực sự rất “can đảm”.

Vì, như trên đã dẫn, bình quân các nhà máy ĐMT trên địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận, sau khi bị cắt giảm, hiện đang chỉ đạt khả năng phát điện khoảng 70 - 75% công suất thiết kế, ngấp nghé ngưỡng không hiệu quả. Nói cách khác là chưa xây dựng, dự án nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam đã đối diện với rủi ro tiềm tàng không hiệu quả.   

Và do thế, có thể nhận xét việc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam xin bổ sung dự án này có lẽ còn hướng tới mục tiêu lớn hơn, ngoài mục tiêu phát điện. Vậy thì đó là mục tiêu gì? 

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top