Biến dạng mặt vì nhuộm tóc
Mới đây, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin. Estele, sinh viên 19 tuổi người Pháp đã khiến phương tiện truyền thông nước này “choáng váng” khi chia sẻ hình ảnh sau khi nhuộm tóc lên trang mạng xã hội. Theo đó, Estele bị dị ứng thuốc nhuộm tóc nghiêm trọng, khiến cả gương mặt bị biến dạng nặng nề, sưng phồng và trở nên méo mó đến khó hiểu. Estele cho biết, cô đã mua một tuýp thuốc nhuộm tóc tại siêu thị ở Val-de-Marne, ngoại ô Paris, và về nhà tự nhuộm. Tuy nhiên, Estele không ngờ cô lại gặp phải những rắc rối do tuýp thuốc này gây ra, do bị dị ứng với thành phần PPD có trong thuốc nhuộm. Được biết, PPD (Paraphenylenediamin) là một chất hóa học thường thấy trong thuốc nhuộm tóc. Một số thuốc nhuộm có chứa hàm lượng PPD quá mức quy định sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến da đầu bao gồm ngứa ngáy, nổi mẩn, chảy nước vàng, rụng tóc…
ThS Lưu Liên Hương, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, đúng là trong thành phần thuốc nhộm tóc có chứa các chất không “thân thiện” với da và tóc như: p-phenylenedamine (PPD), toluene-diamine-sulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine và aminophenol. Chúng thường làm tóc mất độ bóng mượt, khô, dễ gãy rụng, gây viêm chân tóc, viêm da tiếp xúc, dị ứng vùng da đầu sử dụng thuốc nhuộm tóc, thậm chí cả vùng da lân cận như mí mắt, mặt, cổ…
“Đặc biệt, khi nhuộm tóc, các chát độc hại (nhất là chất PPD) sẽ bám lại trên tóc trong một thời gian nên khi tóc tiếp xúc với da đầu và da tại các vùng lân cận thì các chất này sẽ ngấm sâu vào bên trong, có thể gây ra tình trạng loét ở da hoặc gây ung thư da, não, hệ tạo máu, bàng quang… Các biểu hiện này càng nặng khi sử dụng thuốc nhuộm có màu càng đậm vì hàm lượng chất PPD có trong thuốc rất cao”, ThS Hương nhấn mạnh.
Điều dễ nhận thấy với những người đã từng nhuộm tóc là tóc rất khô, xơ, chẻ ngọn. Trong quá trình nhuộm thường thấy da đầu rất rát, nếu không may có vết xước trên da mà bị dính thuốc nhuộm thì rất đau. Thuốc nhuộm tóc là một loại hóa chất độc hại, do đó phải cân nhắc kỹ trước khi sử dụng, đặc biệt với những người có cơ địa nhạy cảm.
Người già càng không nên lạm dụng
Vậy nhuộm tóc thế nào là an toàn? Theo ThS Lưu Liên Hương, để an toàn tuyệt đối, nên hạn chế tối đa việc nhuộm tóc, hoặc nên giãn cách thời gian giữa hai lần nhuộm tóc ít nhất 6 tháng trở lên. Đây là khoảng thời gian cần thiết để thành phần hóa chất nếu có sẽ bị đào thải hết. Ngoài ra, trước khi nhuộm nên thử thuốc nhuộm bằng cách chấm một ít lên vùng da sau tai rồi để khoảng hai ngày, nếu cơ thể không có phản ứng gì thì thuốc nhuộm đó không gây dị ứng.
Ngoài ra, không được sử dụng các loại thuốc nhuộm tóc trôi nổi, giá rẻ. Người nhuộm tóc cũng nên lựa chọn những nhãn hiệu lớn, uy tín, được nhiều người tin dùng và hạn chế thay đổi nhãn hiệu thuốc nhuộm. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các loại thuốc nhuộm có thành phần từ thiên nhiên cũng là giải pháp an toàn vì đại đa số thuốc nhuộm khác thường chứa thêm chất bảo quản, hương liệu… khả năng gây dị ứng rất cao. Khi nhuộm, cố gắng để thuốc nhuộm dính vào da đầu càng ít càng tốt, đặc biệt là những vùng da nhạy cảm. Riêng thợ làm tóc nên mang găng tay trong lúc nhuộm hoặc khi cắt chải cho mái tóc vừa nhuộm.
Hiện có thực tế là những người bị tóc bạc nhiều, người cao tuổi muốn có tóc đen thường sử dụng những loại thuốc nhuộm đen bán gói, mua về nhà tự chải. Đặc biệt là người cao tuổi, phải hết sức lưu tâm vì sức đề kháng của họ rất yếu, dễ mắc các bệnh mãn tính. Việc sử dụng thường xuyên loại thuốc nhuộm tóc đen này rất dễ gây dị ứng. Nguy hại hơn là sử dụng lâu dài có thể gây ra những tác hại với sức khỏe mà chúng ta không ngờ được.
Việc điều trị dạng dị ứng thuốc nhuộm tóc phức tạp hơn các dị ứng mỹ phẩm khác và có thể phải cạo tóc để bôi thuốc mới khỏi. Ngay cả thuốc nhuộm tóc chất lượng dù an toàn hầu hết với mọi người nhưng cũng có thể gây họa cho một số người, vì cơ địa của mọi người khác nhau.