Những thay đổi về chính sách khiến thị trường ô tô Việt "chao đảo"

Thị trường Việt trong khoảng 3 năm nay đã có những thay đổi chóng mặt vì những chính sách mới như thuế nhập khẩu về 0%, Nghị định 116 hay Nghị định 17 sắp có hiệu lực tới đây.

Thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%

Những thay đổi về chính sách khiến thị trường ô tô Việt "chao đảo"

Thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN chuẩn bị về 0% bắt đầu từ đầu năm 2018.

Cuối năm 2017 khi thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN chuẩn bị về 0% vào đầu năm 2018 đúng theo lộ trình trong hiệp ước kinh tế Việt Nam đã kí trước đó. Những mẫu xe được nhập khẩu từ các nước trong khu vực đạt đủ tiêu chuẩn tỷ lệ nội địa hóa sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Đón đầu chính sách này nhiều hãng đã quyết định chuyển từ lắp ráp nội địa sang nhập khẩu nguyên chiếc như Toyota Fortuner. Bên cạnh đó, giá xe trong năm năm 2017 cũng vô cùng hỗn loạn, các thương hiệu liên tục tung ra các chương trình giảm giá bán và hay khuyến mại để đẩy hết hàng tồn kho, đón chào thế hệ mới hoặc nâng cấp chuẩn bị về nước.

Người tiêu dùng Việt lưỡng lự khi đứng trước quyết định nên mua ô tô tại thời điểm đó với mức giá ưu đãi lớn hay chờ sang năm 2018 khi hưởng thuế 0% giá xe có rẻ hơn hẳn không. Năm 2017 là một thời điểm “cân não” của cả người tiêu dùng trong nước và doanh nghiệp.

Các mẫu xe nhập đứng trước “cơ hội” hưởng thuế 0% trong khi các mẫu xe lắp ráp đứng trước “nguy cơ” bị dòng xe nhập lấn át.

Nghị định 116/2017

Những thay đổi về chính sách khiến thị trường ô tô Việt "chao đảo"

Nghị định 116 chính là chiếc ô bảo hộ nền công nghiệp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, trước khi “cơn sóng” xe nhập chuẩn bị ập tới thì Nghị định 116 ra đời và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 khiến thị trường ô tô nhập chưa kịp “sôi” đã gần như đóng băng non nửa đầu năm 2018.

Các quy định về việc nhập khẩu ô tô trong Nghị định 116 rất ngặt nghèo, đặc biệt là yêu cầu về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó. Đây là nguyên nhân mà không có lô xe nhập nào về được nước trong khoảng đầu năm 2018. Mọi chuyện chỉ dần có chuyển biến tốt hơn khi một số dòng xe giải quyết xong các thủ tục và các lô xe được thông quan, giải tỏa phần nào cơn khát của người dân đối với dòng xe nhập.

Trong lúc thị trường xe nhập gặp khó về nguồn cung thì đây lại là cơ hội để những mẫu xe lắp ráp tranh thủ thị phần. Rõ ràng, ai cũng có thể nhìn ra Nghị định 116 chính là chiếc ô bảo hộ nền công nghiệp ô tô trong nước. Không chỉ tại Việt Nam mà Chính phủ nước nào cũng sẽ có chính sách của riêng mình để bảo hộ và phát triển nền công nghiệp ô tô nội địa.

Tuy nhiên, chỉ bảo hộ thôi thì chưa đủ, nền công nghiệp ô tô Việt cần học cách lớn lên, trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Nghị định 17/2020

Những thay đổi về chính sách khiến thị trường ô tô Việt "chao đảo"

Nghị định 17 mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/3/2020 tới.

Nghị định 17 ban hành vào ngày 5/2/2020 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/3/2020 tới đây sẽ bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Nghị định 116/2017 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Điểm nổi bật nhất chính là Nghị định 17/2020/NĐ-CP chính thức loại bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) theo Khoản 4 Điều 2. Đây quả là một tin vui đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.

Sau Nghị định 17, có lẽ cả dòng xe lắp ráp và nhập khẩu sẽ có cuộc cạnh tranh “sòng phẳng” với nhau. Các doanh nghiệp lại “đau đầu” giữa việc lắp ráp hay nhập khẩu. Tuy nhiên, nhìn chung thì mọi thứ hiện nay cũng khá rõ ràng khi các doanh nghiệp đang dần hướng tới việc lắp ráp trong nước. Thương hiệu Việt VinFast ra đời với nhà máy xây mới tại Hải Phòng và nhà máy “kế thừa” từ GM tại Hà Nội, TC Motor chuyển sang đẩy mạnh lắp ráp các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ, Thaco Trường Hải đang có kế hoạch lắp ráp một số dòng trong tương lai…

Ở chiều ngược lại, Toyota chuyển sang nhập khẩu Camry, Fortuner vẫn duy trì nửa lắp ráp nửa nhập khẩu… Như vậy, lắp ráp hay nhập khẩu sẽ tùy thuộc vào chiến lược đối với từng dòng xe của doanh nghiệp. Thị trường ô tô Việt trong năm 2020 tới đây báo hiệu sẽ có sự phát triển và cạnh tranh vô cùng sôi động.

Theo cartimes.vn
Wuling Bingo về Việt Nam có gì cạnh tranh Vinfast VF5?

Wuling Bingo về Việt Nam có gì cạnh tranh Vinfast VF5?

Wuling Bingo của TMT Motors có vẻ đang mang đến sự tích cực về mặt truyền thông với hàng loạt trang bị và công nghệ. Liệu "canh bạc" này có bị đối thủ VinFast VF5 "đánh bại" trong phân khúc SUV hạng A tại Việt Nam?
back to top