Những sinh viên mang “khói bếp” xuống phố

Một nhóm 8 sinh viên người Dao đã quyết định không về quê đón Tết, ở lại Hà Nội bán hàng, có thu nhập từ chính kiến thức, sản phẩm của ông cha để lại từ bao đời nay.
Bán hàng xuyên Tết không về quê
Thịt lợn bản, lạp xưởng hun khói, mộc nhĩ, nấm hương… gian hàng của những sinh viên người Dao ở phố Phùng Hưng, Hà Nội đã thu hút sự chú ý của người dân Thủ đô và khách du lịch những ngày giáp Tết.
Tet khong ve nha cua nhung sinh vien mang “khoi bep” xuong pho
Gian hàng của các sinh viên người Dao.
Tết này, cả 8 sinh viên người Dao đều không về quê ăn Tết. Sau khi hội chợ kết thúc, các em tiếp tục ở lại Hà Nội bán hàng.
Chia sẻ với P.V Tri thức và Cuộc sống, em Bàn Lục Quân, sinh viên năm 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (người Dao tiền Cao Bằng) cho biết, đây là cái Tết thứ 3 Quân ở lại Hà Nội, không về nhà. Bố Quân đi làm ở Quảng Ninh, Tết này cũng không về. Ở nhà chỉ có mẹ và em trai.
Tet khong ve nha cua nhung sinh vien mang “khoi bep” xuong pho-Hinh-2
Năm nay sẽ là cái Tết thứ 3 Quân không về quê.
“Tết xa nhà thì ai cũng nhớ, nhìn mọi người về Tết em cũng chạnh lòng lắm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà phải cố gắng. Tết này em muốn ở lại để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho việc học hành. Ngoài ra muốn quảng bá nông sản, những loại thuốc quý của người Dao đến với mọi người”, Quân tâm sự.
Khác với Quân, đây là năm đầu tiên Đặng Huyền Trang (người Dao trắng, Yên Bái), sinh viên năm 2 của Học viện Dân tộc không về nhà.
Tet khong ve nha cua nhung sinh vien mang “khoi bep” xuong pho-Hinh-3
Tết đầu tiên không về quê, Trang chia sẻ "rất nhớ nhà".
Trang chia sẻ, bố mẹ em àm công nhân ở một trang trại lợn, Tết này cũng không về. Dưới Trang còn một cậu em trai, ở nhà với ông bà ngoại. “Chưa có cái Tết nào em ở xa gia đình thế này, nhớ nhà lắm”, Trang chia sẻ.
Dù không được về hưởng cái Tết đầm ấm bên người thân như bao bạn bè, nhưng bù lại, sau dịp nghỉ Tết, các em đã có số tiền để lo cho việc học hành của mình. Và một cái tên được các em nhắc tới với sự tri ân, đó là TS Bàn Tuấn Năng, người đã tổ chức cho các em việc bán hàng này.
Khói bếp cũng là tài sản
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, “ông tiến sĩ thịt lợn” là cái tên quen thuộc giờ đã gắn bó với ông. Cái tên này xuất phát từ việc, khi các sinh viên người Dao xuống phố học tập, TS Bàn Tuấn Năng dạy cho các em bán hàng online. Bởi ông nhận thấy, nông sản của vùng dân tộc thiểu số rất ngon. Tuy nhiên, các em chưa biết mang xuống phố để bán, bố mẹ các em cũng chưa biết điều đó.
Tet khong ve nha cua nhung sinh vien mang “khoi bep” xuong pho-Hinh-4
TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và hai em Quân, Trang.
“Tôi có bảo các em rằng, một điều rất đơn giản là khói bếp của gia đình các em cũng là một tài sản. Vậy thay vì bố mẹ mỗi tháng phải cho các con 3-500.000 đồng, thì khi nấu cơm, hãy làm lạp xường hun khói, thịt trâu gác bếp… gửi cho con, các con bán đi, thế là các con có tiền sống. Vậy nhưng, các em không tự làm được điều đó.
Tet khong ve nha cua nhung sinh vien mang “khoi bep” xuong pho-Hinh-5
Nhiều đặc sản từ khói bếp được bày bán.
Thực tế, tôi đã từng lập nhóm bán mận Mộc Châu gây quỹ. Cả một tuần mới lãi được 300.000 đồng, bởi vì các em không có nhiều bạn bè, không có mối giao lưu rộng. Thế là chú Năng phải vào cuộc. Thay vì dạy các bạn bán hàng online thì chú Năng trực tiếp đi làm bán thịt lợn bản. Không ngờ câu chuyện này được cộng đồng giúp đỡ, tạo nên một thương hiệu và thành công lớn”, ông Năng chia sẻ.
Ông Năng cho biết, năm ngoái trong thời điểm giãn cách, một tháng ông bán được 15 tấn thịt lợn, 4 em sinh viên chạy ship. Mỗi tháng, các em lĩnh 5-7 triệu đồng, là một nguồn thu nhập cao đối với các em.
Từ thành công này, liên tục trong vòng 2 năm, ông Năng đã tổ chức chương trình: Hoa chuối rừng xuống phố, Tết ấm trên bản Dao. Cái thứ ở quê bỏ đi, đó là bông hoa chuối rừng, thì ở phố lại coi là đồ đẹp, quý. Ông Năng mang xuống Hà Nội cho các bạn sinh viên bán. Năm nay, khi thấy nhiều người đã bán mặt hàng hoa chuối, ông Năng chuyển sang cho sinh viên bán nông sản.
Tet khong ve nha cua nhung sinh vien mang “khoi bep” xuong pho-Hinh-6
“Chính các em sẽ tạo nên thu nhập của mình từ kiến thức, tri thức, sản phẩm của ông bà, cha mẹ mình để lại từ bao đời nay”
“Lý do các em ở lại Tết rất nhiều, như bố mẹ ly hôn, con không biết về đâu. Hoặc những gia đình nghèo. Có bạn bố mẹ làm công nhân, phải tăng ca, không về. Các em bảo: Con về cũng không biết đi đâu. Năm ngoái tôi mua thêm một căn nhà phụ cho các bạn sinh viên ở, và các bạn gọi một cái tên trìu mến, đó là Nhà Dao ở Hà Nội”, ông Năng nói.
Ông Năng cho biết, tiền lãi bán được, 70% chia đều, còn 30% thưởng cho những em xuất sắc. Ông hy vọng, với những hạt nhân xuất sắc này, từ sang năm, sẽ hình thành nên một chuỗi nông sản cũng như thuốc quý của người Dao, chạy hệ thống bán online.
“Chính các em sẽ tạo nên thu nhập của mình từ kiến thức, tri thức, sản phẩm của ông bà, cha mẹ mình để lại từ bao đời nay”, ông Năng nói.

Mời quý độc giả xem video: TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về việc hỗ trợ, giúp các sinh viên người Dao. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Theo Đời sống
back to top