Đó là nhờ những mạch nước ngầm chảy thầm lặng trong lòng đất, trong những khe đá, chẳng ai nhìn thấy, không ai biết đến, chỉ khi dồn lại, phát lộ ra thành dòng suối đầy nước đó, mới khiến ta sững sờ.
Trong cuộc đời cũng vậy, có những con người không nổi tiếng, không chức danh này nọ, cứ lặng lẽ làm những việc mà họ thấy là cần thiết, tự thấy là nghĩa vụ, là niềm say mê của chính mình.
Họ sống giản dị, có khi còn khắc khổ, chỉ khi thấy được ý nghĩa của công việc họ đã làm, ta mới giật mình, nếu không có họ, chúng ta có thể đã mất đi rất nhiều điều quý giá.
Một phụ nữ dáng người khắc khổ, tự mình lặn lội đi khắp nơi sưu tầm và duy trì văn hóa quan họ cổ; một nhà nghiên cứu tự mình tìm hiểu về chữ Việt cổ… một nhà khoa học lặng lẽ làm công việc truyền bá kiến thức…
Mỗi người một sở thích, một lĩnh vực, nhưng họ giống nhau ở niềm đam mê. Đã mê thì không quản khó khăn vất vả, không vì danh lợi hay tiền bạc, quyết đi đến cùng, quyết tìm cho bằng được.
Tôi cứ tự hỏi, tại sao họ lại phải vất vả đến vậy. Sao không sống như những người khác, lo cho bản thân, nhàn nhã, sung sướng? Nhưng có lẽ họ là những người được chọn, được tự nhiên giao cho cái trọng trách ấy. Và một khi đã thấy cái nghĩa vụ của mình, đam mê của mình thì không thể bỏ được.
Mà cũng chưa biết ai sướng hơn ai. Kẻ khôn ngoan biết chọn cho mình nơi sung sướng để sống, hay người lặn lội, trăn trở với những trách nhiệm, nghĩa vụ. Chỉ biết khi con người ta đã tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình, biết mình sinh ra để làm gì, mục đích của cuộc đời mình là gì, thì thật là hạnh phúc.
Tôi cứ hình dung họ như những mạch nước ngầm kia, lặng lẽ chảy dưới lòng đất, không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy hay nhận ra. Mỗi người làm một việc, lặng thầm như thế để góp mình vào sự nối tiếp cái dòng chảy của văn hóa dân tộc. Để nó không bị đứt đoạn, không bị ngừng lại.
Và ngay cả những người dân ở cái miền quê nghèo ấy vẫn gìn giữ những nếp cũ của cha ông… không hề biết rằng mình cũng chính là những mạch ngầm như thế.
Minh Anh