Hoàn thuế đúng luật
Công ty TNHH Pung Kook Sài Gòn II (Pung Kook II) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực gia công, xuất khẩu các loại ba lô, túi xách, va li... Công ty này được được thành lập theo giấy chứng nhận đầu tư do BQL các KCN Bình Dương cấp lần đầu tháng 7/2001.
Trong quá trình gia công xuất khẩu, Pung Kook II đặt gia công sản phẩm tại Công ty TNHH Pung Kook Sài Gòn trong khu chế xuất Tân Thuận, thuộc khu phi thuế quan. Cần lưu ý, Công ty TNHH Pung Kook Sài Gòn được cho là có liên quan tới Công ty TNHH Pung Kook Sài Gòn II.
Từ tháng 11/2014, khi đưa nguyên phụ liệu vào khu phi thuế quan để gia công, Công ty TNHH Pung Kook Sài Gòn II đã nộp 2 loại thuế nhập khẩu và thuế VAT nhập khẩu.
Sau khi doanh nghiệp này xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài, Pung Kook II đã đề nghị được hoàn hai sắc thuế nhập khẩu và VAT nhập khẩu này. Giai đoạn 2014 – 2016, doanh nghiệp này đã được Chi cục Hải quan Sóng Thần hoàn thuế đối với cả 2 sắc thuế đã nộp.
Tuy nhiên, khi Luật thuế 107/2016/QH13 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Chi cục Hải quan KCN Sóng thần và Cục Hải quan Bình Dương đã yêu cầu doanh nghiệp đóng thuế và không đồng ý hoàn thuế nhập khẩu. Đặc biệt là tiến hành truy thu thuế đối với Công ty Pung Kook II với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng và một số khoản khu khác.
Theo Pung Kook II, yêu cầu này của Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần không phù hợp với Luật thuế Xuất nhập khẩu hiện hành nên công ty đã có công văn xin xem xét lại vấn đề hoàn thuế nhập khẩu tính trên phí gia công cho thành phẩm nhận gia công lại từ khu phi thuế quan.
Dựa trên đề nghị này, theo báo cáo của doanh nghiệp, ngày 8/2/2017, Cục Hải quan Bình Dương đã có văn bản số 277/HQBD-GSQL trả lời trường hợp của Pung Kook II được hoàn thuế. Văn bản này cũng hướng dẫn Pung Kook II liên hệ với Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần để làm các thủ tục hoàn thuế.
Truy thu cũng... đúng luật?
Đang được hoàn thuế, thậm chí có giai đoạn được miễn thuế (năm 2018), thì Công ty Pung Kook II nhận được quyết định số 229/QĐ-KCNST của Cục Hải quan Bình Dương về việc truy thu thuế và xử phạt đối với công ty này, tổng số truy thu và phạt là hơn 27,4 tỷ đồng.
Lần này, Cục Hải quan Bình Dương cho biết, trường hợp của Công ty Pung Kook II không thuộc diện hoàn thuế trong giai đoạn nêu trên (2014-2019), nên phải truy thu số tiền đã được hoàn.
Công văn 2738/HQBD-TXNK ngày 9/10/2019 của Cục Hải Quan Bình Dương cũng căn cứ Luật thuế Xuất nhập khẩu và Nghị định 134/2016/NĐ-CP, nêu rõ, Công ty Pung Kook II phải nộp thuế nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm gia công nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với phần tiền thuê gia công theo quy định.
Tuy nhiên, theo Công ty Pung Kook II, thực hiện theo Công văn số 6519/BTC-TCHQ và công văn số 5524/TCHQ-TXNK đều của Tổng cục Hải Quan, thì tất cả các tờ khai nhập lại thành gia công trong khu phi thuế quan của công ty đều được miễn thuế. Công văn số 365/KCNST của Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần hướng dẫn thực hiện thủ tục hải quan về đặt gia công trong khu phi thuế quan cũng xác định Pung Kook II được miễn thuế. Đồng thời, Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần cũng chưa bao giờ đề cập đến việc Pung Kook II phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Do đó, Công ty Pung Kook II cho rằng mình không sai khi thực hiện việc kê khai thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan và BQL KCN Sóng Thần. Từ đây, Công ty Pung Kook II đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết.
Mặt khác, công ty này cũng khẳng định, theo các quy định về thuế hiện hành, thì “công ty được miễn thuế nhập khẩu đối với phần tiền thuê gia công hay còn gọi là phí gia công”.
Do kiến nghị của doanh nghiệp vượt khỏi tầm giải quyết, Cục Hải quan Bình Dương đã có nhiều văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan cho ý kiến đối với trường hợp Pung Kook II. Tháng 5/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản 3018/TCHQ-TXNK gửi Cục Hải quan Bình Dương.
Văn bản này cũng dẫn 2 căn cứ là Luật thuế Xuất nhập khẩu và Nghị định 134/2016/NĐ-CP để khẳng định trường hợp Pung Kook II là doanh nghiệp thực hiện các “sản phẩm gia công tại doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu trở lại nội địa. Vì vậy, doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu theo đúng quy định.
Như vậy, trả lời của Tổng cục Hải quan gián tiếp cho rằng việc hoàn thuế trước đây của Cục Hải quan Bình Dương đối với Pung Kook II là không đúng quy định. Do đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Cục Hải quan Bình Dương sử dụng các căn cứ nêu tại văn bản 3018/TCHQ-TNXK để thực hiện đối với trường hợp Pung Kook II.
Căn cứ vào đó, Cục Hải quan Bình Dương đã có công văn số 2038/HQBD-TXNK ngày 20/7/2020 yêu cầu Công ty Pung Kook II phải nộp số tiền truy thu. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng thời hạn sẽ cưỡng chế thuế.
Không đồng ý với giải thích và quyết định của các cơ quan hải quan, cuối tháng 7/2020, Pong Kook đã gửi “đơn xin cứu xét” đến Thủ tướng.
Trong đơn, Pung Kook II cho biết, doanh nghiệp kinh doanh luôn phải tính toán chi phí một cách cụ thể để lập kế hoạch kinh doanh. Do đó, việc "tiền hậu bất nhất" trong áp dụng các chính sách thuế như hiện nay "là không hợp tình hợp lý đối với doanh nghiệp chúng tôi, đẩy chúng tôi vào thế vô cùng khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19 này" - văn bản nêu.
Đồng thời, Pung Kook II cho biết, hiện doanh nghiệp cũng không có đủ khả năng tài chính để nộp tiền phạt và truy thu lên tới hơn 31 tỷ đồng. Trong trường hợp Hải quan thực hiện cưỡng chế thì doanh nghiệp sẽ buộc phải đóng cửa, do đó doanh nghiệp sẽ khởi kiện ra toà án.
Công ty này cũng cho biết, trong bối cảnh dịch hiện nay, nếu truy thu hay xấu nhất là kiện ra tòa thì đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất là gần 6.000 lao động đang làm việc cho công ty.