Khẩu trang trên thị trường hiện phân làm 2 loại: khẩu trang y tế và khẩu trang vải. Với số lượng doanh nghiệp trong ngành dệt may lên đến 7.000 đơn vị, Việt Nam dễ dàng tham gia sản xuất mặt hàng khẩu trang vải mà không cần thay đổi nhiều về quy trình, máy móc. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu thị trường không khó. Tuy nhiên, đây chỉ là khẩu trang thông thường, chưa được công nhận là khẩu trang y tế, do vậy khả năng thị trường chấp nhận đến đâu còn chưa xác định được.
Về khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất chính gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính. Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, còn vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính hiện trong nước chưa sản xuất nên phải nhập khẩu. Để sử dụng trong phòng dịch chỉ cần loại khẩu trang 3 lớp, loại 4 lớp sử dụng chủ yếu trong các cơ sở y tế.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp dệt may, khẩu trang dùng một lần có màng lọc kháng khuẩn hiện phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc khoảng 70%. Khoảng 30% còn lại có thể mua từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu (Pháp, Ý). Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng khan hiếm, không có hàng để bán và xuất khẩu. Ấn Độ cấm xuất khẩu sản phẩm, không cấm xuất khẩu nguyên liệu. Giá màng lọc kháng khuẩn từ Châu Âu đang ở mức rất cao.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, một số nước khác có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang thì giá rất cao. Trong trường hợp dịch lan rộng tại các nước này, dự báo thời gian tới sẽ khó khăn hơn trong việc nhập khẩu. Hiện tại, một số công ty đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh lên mức 10 - 12 USD/kg. Hiện nguyên liệu để sản xuất trong cả nước đang rất căng thẳng và chỉ có thể đáp ứng sản xuất trong khoảng 7-10 ngày tới nếu không có nguyên liệu mới nhập về.
Nhu cầu hiện nay trong cả nước đối với loại khẩu trang 3 lớp cho cộng đồng dân cư vào khoảng 100 tấn/tháng tương đương khoảng 150 triệu chiếc. Do vậy, theo kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đồng thời tìm giải pháp ứng phó.