Chỉ cần để viên ngọc trai dưới đầu lưỡi, nếu lưỡi có cảm giác hơi lạnh lạnh thì chắc chắn là ngọc trai thật. Ảnh minh họa
Ngọc trai đủ loại giá
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Phú Quốc, Vịnh Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nha Trang… tràn ngập ngọc trai với mức giá từ vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng. Du khách tới thăm quan, nghỉ mát đều được các chủ hàng, quán mời chào đon đả. Các bộ trang sức ngọc trai sang trọng, lấp lánh được các chủ hàng quảng cáo là “hàng xịn”.
Những loại ngọc trai kém chất lượng trôi nổi hiện nay trên thị trường Việt Nam được làm từ nhân cấy ngọc thứ phẩm bị loại hoặc làm từ nhựa, nhưng được phủ lên bề mặt nhân chất inriodin (bột ngọc trai nhân tạo thuộc dòng mica, có kết hợp với kim loại).
GS Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đá quý, Trang sức cho biết, ngọc trai có 3 loại là ngọc trai tự nhiên, ngọc trai nuôi và ngọc trai giả. Ngọc trai tự nhiên do người ta mò được là rất hiếm, có giá đến vài nghìn USD/viên. Đa số ngọc trai trên thị trường hiện nay là ngọc trai nuôi. Loại ngọc trai này có chất lượng cũng khá tốt. Và cuối cùng là ngọc trai làm bằng nhựa, là ngọc trai giả.
“Tôi có đi Phú Quốc và tôi thấy người ta bán ngọc trai giả nhiều lắm, với đủ loại giá khác nhau, có khi chỉ vài trăm đồng/viên, vài chục ngàn đồng là có thể mua được cả chuỗi ngọc trai. Thậm chí có những viên to như ngón chân, cũng lấp lánh rất đẹp, nhưng thực ra lại làm bằng nhựa.
Nhiều người không biết, ham rẻ, cứ thấy ngọc trai bán ở Phú Quốc là “hàng chuẩn” nên mua về. Đối với ngọc trai, giá thành một hai triệu đồng/dây đã có khả năng lớn là ngọc trai giả, chưa nói gì đến dây vài chục hay vài trăm ngàn đồng”, GS Phan Trường Thị chia sẻ.
“Chỉ mặt” ngọc trai giả
Theo kinh nghiệm của GS Phan Trường Thị, người có nhiều năm nghiên cứu về đá quý, trang sức, thì có một mẹo rất đơn giản để nhận biết ngọc trai thật hay ngọc trai giả là sử dụng lưỡi. Chỉ cần để viên ngọc trai dưới đầu lưỡi, nếu lưỡi có cảm giác hơi lạnh lạnh thì chắc chắn là ngọc trai thật.
Ngược lại, nếu có cảm giác ấm ấm thì là ngọc trai giả. Hoặc cảm nhận bằng tay, giống như khi tay sờ vào xốp với sờ vào đá. Khi sờ vào ngọc trai thật sẽ có cảm giác lạnh lạnh, ngược lại thì sẽ chỉ thấy ấm ấm.
Nếu có điều kiện thì có thể sử dụng một chiếc kim nung nóng để kiểm tra ngọc trai. Nếu chạm vào kim mà viên ngọc trai bị cháy, sùi lên thì là ngọc trai làm bằng nhựa, ngọc trai thật sẽ không ảnh hưởng gì bởi cây kim.
Tuy nhiên phương pháp thử này khó thực hiện vì đa phần cơ sở bán ngọc trai không cho làm. Cách tốt nhất khi mua ngọc trai ở các điểm du lịch là mua ở những cửa hàng có uy tín, mỗi sản phẩm có phiếu kiểm định.
“Một chuỗi ngọc trai nuôi có giá khoảng từ 5 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng tùy thuộc vào chất lượng. Ngọc trai mà có giá chỉ từ 1-2 triệu đồng/chuỗi thì khả năng cao là ngọc trai giả. Giá thành dựa trên chất lượng của viên ngọc.
Viên ngọc trai chất lượng tốt là có lớp xa cừ bên ngoài dày từ khoảng gần 1mm trở lên, lớp xa cừ càng dày thì ngọc trai càng có giá.
Ngọc trai Phú Quốc có lớp xa cừ dày hơn ngọc trai Quảng Ninh. Độ lớn càng cao thì ngọc trai càng đắt. Đường kính phổ biến là ừ 8-12mm, loại tốt có đường kính từ 15-18mm và loại đặc biệt có đường kính từ 18-22mm”, GS Phan Trường Thị cho biết.
Muốn chọn ngọc trai tốt thì nên để ý nhiều yếu tố. Đó là viên ngọc có màu sáng, độ cầu tròn đồng đều, nhìn ở mọi phía đều như nhau, không bị móp, méo. Mắt thường nhìn viên ngọc phẳng, không xù xì. 1 viên ngọc có thể có 1-2 nốt sần, nhưng nếu có từ 5 nốt trở lên là không được.
Viên ngọc có bề mặt phẳng lỳ là loại vô cùng xuất sắc. Hiện nay với kỹ thuật đánh bóng ngọc trai, người ta có thể cho ra đời những viên ngọc rất bóng đẹp.
Theo GS Phan Trường Thị, không nên dựa trên khối lượng để nhận biết ngọc trai thật – giả vì ngọc trai nói chung có khối lượng nhẹ, việc làm giả bằng nhựa cũng cho khối lượng tương đương.
Bảo Khánh