Hàng loạt vụ tích trữ khẩu trang bị bắt
Ngày 22/2, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, mới đây đơn vị đã kiểm tra, phát hiện đối tượng thu gom hơn 600kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng ở Vĩnh Phúc để mang về Hà Nội tập kết. Tiến hành xác minh, Công an huyện Sóc Sơn xác định Nguyễn Minh Nguyên (sinh năm 1996; trú tại Tân Thành, Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên) là người đã thu mua số khẩu trang trên từ khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc rồi mang về cất giấu tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn.
Trước đó, ngày 20/2, Công an huyện Sóc Sơn cho biết đang phối hợp với lực lượng chức năng hoàn tất hồ sơ xử lý vụ phát hiện 17.500 chiếc khẩu trang không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ.
Theo TS Nguyễn Thị Dung, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, khẩu trang y tế được xem là một vật dụng thiết yếu, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 và ô nhiễm môi trường như hiện nay. Tuy nhiên, sử dụng khẩu trang kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến tình trạng như da bị dị ứng, nổi mụn, bệnh về đường hô hấp... ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Loại khẩu trang đã sử dụng mà lại được tuồn ra thị trường thì nguy hại khôn lường.
Phân biệt khẩu trang chuẩn
Theo TS Nguyễn Thị Dung, khẩu trang dùng lại thường nát, nhàu do cọ xát. Cất giữ không đúng cách cũng không đảm bảo sự an toàn về tính lọc cũng như tính thấm của khẩu trang. Các tác nhân từ bên trong sẽ dễ dàng lọt qua để ra ngoài và ngược lại khiến tác dụng bảo vệ của khẩu trang cũng không còn được đảm bảo. Đó là chưa kể đến khả năng lây nhiễm virus do đã sử dụng. Khi mua khẩu trang, nên mua của các cơ sở sản xuất đảm bảo. Khi quan sát thấy khẩu trang có vết nhàu, nát, có dấu hiệu không bình thường, thì tuyệt đối không mua.
Khẩu trang y tế thật không bị thấm nước, khẩu trang y tế giả gặp nước sẽ bị ướt và thấm ngay. Để phân biệt được đâu là khẩu trang y tế hàng tốt, chất lượng thì cách đơn giản nhất là chúng ta chỉ việc ngâm khẩu trang vào nước. Nếu là khẩu trang y tế thật thì sẽ rất ít nước ngấm vào hoặc có thể không hề bị thấm nước, bởi bề mặt khẩu trang thật rất mịn và không dễ bị xù lông. Còn khẩu trang y tế giả sẽ ngay lập tức ngấm rất nhiều nước và dễ bị xù.
Cuối cùng đó là kiểm tra lớp vải lọc bên trong chiếc khẩu trang, đây là cách đơn giản giúp bạn nhận biết dễ nhất, bởi khi xé ra bạn sẽ nhận biết được đâu là giấy tốt và đâu là loại giấy vệ sinh thông thường. Nếu khẩu trang thật thì sẽ là lớp giấy rất mịn, không thấm nước giúp khẩu trang có thể lọc bụi bẩn, còn khẩu trang giả thì lớp giấy đó chỉ là lớp giấy thông thường và khi ngâm vào nước nó sẽ nhanh chóng bị nhũn ra và nát.
Khi đeo khẩu trang ra ngoài và tiếp xúc với những người xung quanh thì bụi bẩn, vi khuẩn, virus, các tác nhân gây bệnh từ môi trường, cũng như các giọt bắn ra từ quá trình tiếp xúc sẽ bám lên mặt ngoài của khẩu trang. Còn mặt trong khẩu trang cũng tiếp xúc với những giọt bắn từ mũi miệng khi chúng ta nói, hắt hơi, mồ hôi khiến các chất bã nhờn, bụi bẩn trên da sẽ bám vào mặt trong của khẩu trang, nếu dùng lại sẽ không đảm bảo vệ sinh, tăng nguy cơ lây nhiễm.
Hà Bình