Nhận biết cây cổ thụ mục ruỗng

(khoahocdoisong.vn) - Cây cổ thụ đã mục ruỗng bên trong tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt trong mùa mưa bão. Việc tiến hành rà soát, loại bỏ cây cổ thụ đã quá “già yếu” trong các đô thị hiện nay là việc làm cần thiết.

Đánh giá tuổi thọ của cây

Sau vụ cây phượng bất ngờ gãy đổ tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM), đại diện Sở Xây dựng đến khảo sát hiện trường và đề xuất trường nên đốn bỏ cây phượng cao tuổi còn lại trong khuôn viên. Bởi loài cây này thân trên 30cm có hệ rễ rất rộng, không thích hợp với khu vực trồng cây nhỏ hẹp như đô thị. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đánh giá độ an toàn của các cây xanh có tuổi thọ lớn khác trong thành phố.

GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên giảng viên Đại học Lâm nghiệp cho hay, 3 nguyên nhân khiến cây gãy đổ. Thứ nhất, tuy nhìn cây còn tươi nhưng thân đã mục ruỗng, rễ cũng có dấu hiệu mục. Thứ hai, ngày trước đó trời mưa lớn khiến đất quanh gốc cây bị mềm. Thứ ba, tán cây lớn khiến cây dễ gãy đổ. Để phòng ngừa tai nạn do cây gãy đổ trong mùa mưa bão, việc thay thế những cây đã quá già cỗi là cần thiết, song không phải là chặt bỏ hết cây cổ thụ mà cần có cách làm khoa học. Không khó để đánh giá tình trạng của cây, bằng cách công nghệ hiện có, việc này rất đơn giản như siêu âm, quan sát đánh giá tình trạng sâu bệnh…

Hiện nay, ở nhiều tuyến đường Hà Nội, trồng cây với kích thước lớn (cây giống đưa trồng đường kính 20 - 25cm, thậm chí có chỗ 30cm, cây cao 5 - 7m), những cây này sau khi trồng có thể sống nhưng hệ rễ sẽ kém nên rất dễ đổ nếu không được chống đỡ tốt. Ngoài ra, một số nơi cây trồng mới chỉ sau 5 - 6 tháng thấy cây ra cành lá tươi tốt, dày đặc, đơn vị thi công đã bỏ chống thì chỉ qua một trận bão sẽ đổ.  Tất cả những cây này bộ rễ mới chỉ có rễ tơ, nên gặp mưa và gió cũng rất dễ đổ.

Cần kiểm tra “sức khỏe” của cây to

GS.TS Ngô Quang Đê cho biết, hiện nay Hà Nội và Sài Gòn đã quản lý cây theo hệ thống GIS, biết số lượng cây cụ thể, cây nào lớn, cây nào bé. Trên cơ sở đó, nắm được cây nào nguy hiểm cao thì phải rà soát trước chứ không thể chờ đến khi cây đổ. Hiện do quá trình xử lý những công trình ngầm, những công trình điện hay cấp thoát nước, nhiều khi người ta chặt rễ đi. Tuy cây không chết mà vẫn còn xanh, nhưng rễ không bám chắc nữa dẫn đến gãy đổ. 

Ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục & Truyền thông môi trường cho biết, năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông và các tác giả đã thực hiện cuốn Allat cổ thụ Hà Nội trong đó thống kê ghi rõ có bao nhiêu cây cổ thụ, đánh số từng cây, tình trạng như thế nào. Nó như bản đồ về cây xanh của Hà Nội với tình trạng sức khỏe của từng cây. Đến nay, vì không có theo dõi bổ sung hằng năm nên giá trị lúc đầu không còn nữa. Trong khi đó, bản thân cây xanh cũng có tuổi đời của nó và càng về già khả năng chống chịu với điều kiện tự nhiên giảm đi rất nhiều. Bởi vậy, nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện lưu trữ các hồ sơ, dữ liệu về cây xanh từ lúc trồng cho đến hàng năm được cắt tỉa.

Theo các chuyên gia, chọn cây trồng trong đô thị, với phố nhỏ nên trồng bằng lăng, sưa trắng... Cây không lớn, ra hoa đẹp, mùa xuân cho lá rất đẹp đến tận tháng 2. Con phố trung bình nên trồng cây sấu, muồng hoàng yến, lát chẹo... Tuyến phố rộng hơn 3m trồng các loại cây sưa, sữa, ngọc lan, hoàng lan, long não, muồng, sao đen, trò chỉ, dầu nước, cây trẹo, cây sếu, cây nhội... Cây này thân thẳng, sống lâu năm, đường kính lớn.

Theo Đời sống
back to top