Nhạc sĩ Phú Quang và “người tình” Hà Nội

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ, một khi ta đã yêu cái gì đó tha thiết quá thì đều có cảm giác như một người tình. Hà Nội đối với ông là một tình yêu như vậy.
Nhạc sỹ Phú Quang trình bày trong chương trình cầu truyền hình "Bản hùng ca Hà Nội" do Đài PT-TH Hà Nội phối hợp với Báo Quân Đội Nhân Dân và Đoàn phòng không Hà Nội, tổ chức tối 16/12/2012.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh ra ở Phú Thọ. Năm 1954, ông theo bố mẹ về Hà Nội. Năm 1985, gia đình ông vào Nam và mãi đến năm 2008, ông mới trở lại Hà Nội.

Hơn 20 năm xa Hà Nội, là khoảng thời gian khắc khoải nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ Hà Nội của ông. Nỗi nhớ đó, đã được nhạc sĩ Phú Quang chuyển vào âm nhạc.

nhac-si-phu-quang(1).jpg
Nhạc sĩ Phú Quang.

Bài hát Em ơi Hà Nội phố do ông phổ nhạc ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Một buổi chiều năm 1986, Phan Vũ cùng nhạc sĩ Trần Tiến và Phú Quang gặp nhau tại sân khấu ở Quận 3, TPHCM. Biết Phú Quang người Hà Nội, nhà thơ Phan Vũ đã đọc bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” cho Phú Quang nghe.

Sau khi lắng nghe Phan Vũ đọc, nhạc sĩ Phú Quang rất xúc động, ông nói: "Anh viết cho anh mà nghe anh đọc, em cứ nghĩ anh viết cho em”.

Và chỉ hai ngày sau, ca khúc Em ơi, Hà Nội phố ra đời. Khi nhạc sĩ Phú Quang vừa chơi piano vừa hát cho Phan Vũ nghe thì Phan Vũ bảo: "Quang ơi, nhạc của em làm cho thơ anh lấp lánh lên! Anh không ngờ em làm hay thế”.

Năm 1987, bài hát được phổ biến trên sóng phát thanh qua tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu. Bài hát đã đưa cái tên Phú Quang gắn với Hà Nội và được nhiều người biết đến.

Sau này, cái tên Phú Quang đã gắn với nhiều những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội khác như Nỗi nhớ mùa đông, Mơ về nơi xa lắm, Chiều phủ Tây Hồ, Im lặng đêm Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội…

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: “Một khi ta đã yêu cái gì đó tha thiết quá thì đều có cảm giác như một người tình. Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác. Tôi viết nhiều về Hà Nội vì rất đơn giản thôi, tôi coi Hà Nội là quê hương của mình”.

Có rất nhiều nhạc sĩ viết về Hà Nội, nhưng khi nhắc đến những bài hát về Hà Nội, là người ta nhớ đến Phú Quang. Đặc biệt, với biết bao người yêu Hà Nội, đã luôn tìm thấy trong nhạc Phú Quang sự đồng điệu, tình yêu của chính mình với Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang nói với Phan Vũ khi viết Em ơi Hà Nội phố rằng: "Anh viết cho anh mà nghe anh đọc, em cứ nghĩ anh viết cho em” thì với nhiều người yêu Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang viết cho nhạc sĩ mà cũng như viết cho chính mình, như có người nói hộ, nói ra được cảm xúc ở trong lòng mình. 

Mà những điều "nói hộ" ấy, không phải những gì đặc biệt. Chỉ là mùi hoa sữa nồng nàn, căn phòng nhỏ, chiều sương giăng, góc phố, hàng cây... Những thứ vẫn thân thuộc, trôi qua trước mắt ta mỗi ngày. Thế nhưng, vào nhạc Phú Quang, tất cả bỗng trở thành "Hà Nội" quá, cái "ngây ngất nắng, run run heo may" cũng đúng là Hà Nội quá.

Ấy là bởi tất cả đã được viết ra bởi một tình yêu Hà Nội tha thiết, từ nỗi nhớ nhung Hà Nội da diết, khắc khoải. Trong một lần trả lời câu hỏi vì sao yêu Hà Nội đến thế, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ, ông yêu Hà Nội vì hai điều.

Thứ nhất, Hà Nội là quê hương ông, ông là một phần của Hà Nội, nên như bao người có quê khác, ông cũng thiên vị với Hà Nội như một lẽ đương nhiên.

Và điều thứ hai, ông là một "thổ dân" của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại, với những nhủ thầm “phố nhỏ, đường nhỏ, có gì hấp dẫn đâu”.

"Tôi quan sát Hà Nội kỹ, cảm nhận sâu, hiểu Hà Nội tỉ mỉ hơn người khác, và bởi thế mà yêu say đắm. Cái đặc biệt của tôi là không có gì đặc biệt cả!", ông chia sẻ.

Hà Nội trong nhạc Phú Quang là vậy, đẹp, lãng mạn, da diết nhớ từ những điều giản dị, từ cái nhìn của một "thổ dân" với những thứ tưởng như "không có gì đặc biệt". Nhưng vì thế, mà nó đã chạm vào cảm xúc của nhiều người.

Bởi tình yêu, có lẽ, cũng bắt đầu từ những điều giản dị.

"Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may" - Mơ về nơi xa lắm, nhạc Phú Quang, thơ Thái Thăng Long do ca sỹ Ngọc Anh thể hiện. Video: Youtube.

Khi Em ơi Hà Nội phố ra đời, có ý kiến cho rằng, nhạc sĩ Phú Quang viết về Hà Nội giống như “sắp mất Hà Nội”, ông chỉ cười và nói: “Không yêu những điều nhỏ bé, sao yêu những điều lớn lao được? Nếu tôi biết yêu những con đường có bờ tường cũ rêu phong, những con ngõ nhỏ, những chiếc lá rụng, những kỷ niệm, những giọt mưa… thì mới yêu được Tổ quốc, đất nước này. Người ta cứ thích nói những điều to lớn. Nhưng tình yêu bao giờ cũng bắt đầu từ những điều nhỏ bé”.

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top