Khuyến khích phát triển
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41 ngày 9/4/2020 giao cho Bộ Xây dựng đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã gợi ý một số giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, để lấy ý kiến đóng góp nhằm xây dựng cơ chế chính sách. Các vấn đề Bộ Xây dựng nêu như làm dự án nhà chung cư cao tầng; căn hộ có diện tích không quá 70m2 với giá bán căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2.
HoREA đề nghị các dự án nhà ở thương mại giá thấp thuộc đối tượng được khuyến khích phát triển. |
Chủ đầu tư dự án được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án. Trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất, thì được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất. Đồng thời, chủ đầu tư được vay lãi suất ưu đãi, với mức lãi suất có thể ở mức 7 - 8%/năm; Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được giao thuê đất.
Theo gợi ý từ Bộ Xây dựng, Nhà nước không khống chế lợi nhuận của chủ đầu tư, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình nhà ở. Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực đô thị phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến khoảng 30% tổng diện tích đất dự án.
Các dự án nhà ở giá thấp được miễn thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Trường hợp đã thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, thì được miễn Giấy phép xây dựng. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rút ngắn thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, để sớm triển khai các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70m2, có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng (bao gồm cả VAT).
Được biết, dự thảo nghị quyết sẽ được Bộ Xây dựng trình Chính phủ thông qua trong quý 3/2020. Theo đó, nghị quyết này sẽ đưa ra nhiều nhóm cơ chế chính sách ưu đãi, tập trung giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp.
Chính sách hỗ trợ gì?
Mới đây, trong văn bản gửi Chính phủ, HoREA thống nhất với Bộ Xây dựng, đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Cụ thể, HoREA đề nghị các dự án nhà ở thương mại giá thấp thuộc đối tượng được khuyến khích phát triển, dự án nhà ở thương mại giá thấp có giá bán không quá 25 triệu đồng/m2 đối với 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TPHCM); không quá 23 triệu đồng/m2 đối với 22 đô thị loại 1 và không quá 20 triệu đồng/m2 đối với các đô thị còn lại.
Đối với nhà thương mại giá thấp cho thuê thì giá thuê không vượt quá 5 triệu đồng/tháng và cho thuê dài hạn. Ví dụ như, Công ty Lê Thành đã đầu tư các dự án nhà ở thương mại chỉ để cho thuê dài hạn (49 năm), với giá cho thuê cả chu kỳ thuê từ 250 - 350 triệu đồng, được trả dần trong 3 năm (bình quân giá cho thuê khoảng 500.000đ/tháng) hay Tập đoàn C.T Group đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp Bee Home, với các căn hộ cho thuê theo chu kỳ thuê 6 năm hoặc 12 năm. Nhưng do Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, nên các doanh nghiệp không đủ nguồn lực để thực hiện nhiều hơn các dự án nhà ở thương mại giá thấp”, Chủ tịch HoREA cho hay.
Đồng thời, quy hoạch các khu vực đô thị để phát triển các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại giá thấp, hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền, nhưng có đầy đủ các hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, tiện ích, dịch vụ, thân thiện môi trường. Trong đó, cho phép tỷ lệ căn hộ nhỏ cao hơn. Tích hợp và kết nối các hình thức giao thông đô thị, tạo thuận lợi cho cư dân đi lại, làm việc, sinh sống.
Có chính sách tín dụng ưu đãi đối với các dự án nhà ở thương mại giá thấp, đối với người mua nhà, thuê mua nhà. Đặc biệt là người trẻ mua căn nhà đầu tiên và được thế chấp bằng chính căn nhà mua và xem xét áp dụng lãi suất cho vay thương mại thấp hơn khoảng 20 - 25% so với lãi suất thông thường.
Ngoài ra, HoREA còn đề nghị sửa đổi Luật Đất đai, cho phép được chậm nộp, hoặc được miễn giảm tiền sử dụng đất tùy theo loại dự án nhà ở thương mại giá thấp, như được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án nhà ở thương mại cho thuê giá thấp.
Sửa đổi, giảm thuế giá trị gia tăng còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%. Riêng, đối với loại nhà ở xã hội chỉ để cho thuê và loại nhà ở thương mại chỉ để cho thuê giá thấp, thì được giảm đến 70% thuế suất, để thống nhất với Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất công (đã giải phóng mặt bằng), để khắc phục tình trạng “bỏ không” nhiều quỹ đất công đã được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhưng do chưa có tiêu chí đấu thầu, nên không thể thực hiện được dự án. Có quy trình rút gọn về đầu tư và cấp giấy phép xây dựng, để tạo điều kiện sớm triển khai thực hiện dự án nhà ở thương mại giá thấp.