Sáng 6/7, bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, ca nhiễm đầu tiên phát hiện ngày 30/6 tại một xưởng sản xuất. Sau đó, toàn bộ lao động được lấy mẫu xét nghiệm gộp, phát hiện nhiều ca dương tính nên nhà máy bị phong toả. Hôm qua, ngành y tế Dĩ An lấy mẫu xét nghiệm PCR cho lao động nhưng chưa có kết quả. Toàn bộ công nhân phải ăn ở, sinh hoạt tại nơi sản xuất.
"Tình huống quá bất ngờ, chúng tôi lúng túng, gặp nhiều khó khăn", bà Yến nói và cho biết thêm trước đó nhà máy chuẩn bị khu cách ly tập trung cho các F1, rộng chừng 100 m2, nhưng hiện không đủ chỗ. Phần lớn diện tích ở nhà máy đều lắp máy móc; nhà vệ sinh, nhà tắm không đáp ứng nhu cầu công nhân ở lại.
Công ty đã lấy tầng hầm để xe cùng với toà nhà rộng 300 m2 gần đó làm chỗ ở cho công nhân nhưng không đủ. Số lượng lều trại đặt cùng lúc quá nhiều nên nhà cung cấp không đáp ứng kịp. Nhà máy phải mua giường xếp bố trí rải rác khắp nơi làm chỗ ngủ cho công nhân.
"Chúng tôi kiệt sức, không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng dịch trong nhà máy được nữa vì công nhân quá đông", ông Yoon Tae Ha, Giám đốc Công ty Hansoll Vina nói và mong chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ, đưa các F đến các khu cách ly tập trung hoặc về địa phương, tránh lây nhiễm chéo.
Ông Bùi Thanh Nhân, Bí thư TP Dĩ An cho biết đã có phương án hỗ trợ nhà máy. Do số lượng công nhân khá lớn nên khi phát hiện ca nhiễm chính quyền phải phong tỏa nhà máy để xét nghiệm, truy vết. Khi có kết quả xét nghiệm PCR, ngoài đưa F0 đi điều trị, chính quyền sẽ sàng lọc F1 đưa đi cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà máy và những người còn lại đưa về địa phương giám sát.
Theo Bí thư TP Dĩ An, phương án đưa tất cả lao động về địa phương như công ty đề xuất sẽ gây khó khăn cho cộng đồng. Trong khi đó, nhà máy được đánh giá là nơi có điều kiện cách ly tập trung cho các F2. Ngành chức năng sẽ phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy, hỗ trợ sắp xếp lại nơi ở đảm bảo an toàn, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho nhóm này. Trường hợp nhà máy có đơn hàng gấp cần sản xuất vẫn có thể huy động công nhân ở lại nhà máy tham gia.
Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Ở đợt dịch thứ tư, tính đến chiều 5/7 địa phương ghi nhận 652 ca Covid-19. Dịch xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.