Thua khô mực
Gần đây, tại Quảng Nam, cả ngàn tấn mực khô của ngư dân Quảng Nam đang bị ứ động do thương lái không chấp nhận mua với lý do "không xuất khẩu được". Theo Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch huyện Núi Thành (Quảng Nam), trên địa bàn còn 930 tấn mực khô tồn đọng, trong đó khoảng 800 tấn trên tàu ngư dân và 130 tấn trong kho của thương lái.
Đa số mực tồn đọng thuộc các loại mực xà, mực ma, vốn được đánh bắt gần bờ nhiều ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đuôi mực này màu đen sậm và ăn không ngon, mềm như mực nang, mực ống... nên trước đây, các loại mực này chỉ xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên gần đây, phía Trung Quốc đã siết lại chính sách nhập khẩu, yêu cầu sản phẩm chuyển sang nhập chính ngạch và có truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, các đầu mối xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa thay đổi nên bị phía Trung Quốc từ chối nhập hàng. Không bán được mực, ngư dân cũng không có tiền cho chuyến biển tới. Đã có khoảng 50 chiếc tàu phải nằm bờ, ngay trong vụ mực.
Việc Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý chất lượng nhiều mặt hàng của Việt Nam có nguyên nhân chính từ thực tế hàng xuất khẩu sang quốc gia này tồn tại nhiều vấn đề bất cập như làm giả giấy chứng nhận, tờ khai, đơn hàng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn chất lượng nông sản, và cũng có tình trạng hàng từ nước thứ ba mượn xuất xứ Việt Nam để vào Trung Quốc.
Lưu ý là, việc Trung Quốc siết chặt quy định nhập khẩu không là thông tin mới. Vì từ năm 2018 Bộ Công Thương đã có cảnh báo về vấn đề này. Nhưng do người dân thiếu quan tâm, thương lái thu mua cũng thiếu hiểu biết nên dẫn đến tình trạng hàng nhiều mà không xuất được. Không riêng mực khô, mà nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng thường xuyên tồn đọng lượng lớn do bị Trung Quốc siết quy định nhập khẩu.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về sắn và các sản phẩm từ sắn, chiếm tới 89,2%. Nhưng 5 tháng đầu năm, mới chỉ có 1,08 triệu tấn sắn, giá trị khoảng 414 triệu USD được xuất khẩu, giảm 17,6 % về sản lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, các hộ trồng sầu riêng tại Lâm Đồng cũng có một vụ thất bại cay đắng, khi giá sầu riêng đã giảm 2/3 so với đầu vụ, lý do vì Trung Quốc siết quy định đối với sầu riêng Việt. Hiện, Việt Nam có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Tất cả các loại sản phẩm này đều thường xuyên bị thất bát khi xuất khẩu sang Trung Quốc do chính sách nhập khẩu và thương lái nước này ép giá.
Thắng vải thiều
Vụ vải thiều năm 2019 của huyện Lục Ngạn được đánh giá là thành công nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Cụ thể, sản lượng vải của Lục Ngạn đạt ở mức hơn 90.000 tấn, không biến động so với năm trước, nhưng giá bán vải đạt mức cao kỷ lục, dao động trong khoảng từ 30.000 – 55.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay, đem lại doanh thu riêng bán vải khoảng 3.000 tỷ đồng.
Già nửa sản lượng vải của Lục Ngạn (khoảng 50.000 tấn) đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch đi 30 quốc gia, chủ yếu sang Trung Quốc (chiếm 90%) và một số thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Nhật Bản… Quả vải Lục Ngạn - đại diện cho quả vải Việt Nam - đã trường thành vượt bậc về sản lượng và chất lượng, để đường hoàng xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính nhất.
Giải thích về nguyên nhân của việc “được mùa được giá” này, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn cho biết, là do chất lượng vải thiều năm nay tốt hơn những năm trước nhờ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến. Đặc biệt, với 20 hecta vải thiều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, chỉ với 10 quả vải đóng hộp có tem truy xuất giá có thể lên đến 200.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy, những mặt hàng nông, lâm, thủy sản nếu có chất lượng tốt – như vải thiều - vẫn có thể bán sang thị trường Trung Quốc dù nước này ngày càng “siết” các yêu cầu về nhập khẩu hàng hóa. Thực tế, hiện tâm lý của các thương lái Việt Nam đều cho rằng Trung Quốc là thị trường tương đối dễ tính nên không chú trọng nhiều đến chất lượng sản phẩm và hầu hết hàng hóa giao thương giữa hai bên được thực hiện qua đường tiểu ngạch. Do đó, khi Trung Quốc áp các yêu cầu cao hơn, người dân và thương lái rơi vào tình trạng khó khăn.
Nhưng ở chiều ngược lại, việc Trung Quốc đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khắc phục được tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay. Khi đó, doanh nghiệp, người dân sản xuất sẽ chủ động hơn trong nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thông qua đó hẹn chế được rủi ro, giảm sự lệ thuộc trong khâu tiêu thụ tại theo đường tiểu ngạch đến Trung Quốc, giảm thiểu được tình trạng bị ép giá hoặc “được mùa - mất giá”...".
Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhìn nhận, căn cơ của vấn đề vẫn nằm ở bài toán chất lượng nông sản - không riêng thị trường Trung Quốc mà với bất cứ thị trường nào trong bối cảnh hội nhập – là yêu cầu cao về chất lượng. Hiện nay, với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, nông sản Việt phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn và minh bạch hơn về chất lượng sản phẩm.
Cụ thể, hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì thuế suất của hàng ngoại nhập sé giảm xuống 0%. Khi đó, nếu các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, thì nông sản Việt có nguy cơ đánh mất thị trường nội địa. Và do vậy, nông sản Việt đang đứng trước áp lực rất lớn, buộc phải thay đổi, đáp ứng các yêu cầu ngày một cao hơn khi xuất khẩu sản phẩm.