Nghị định 132: “Bình mới rượu cũ”, sửa gỡ khó mà như... không sửa

(khoahocdoisong.vn) - Nghị định 132 được ban hành để thay thế những bất cập trong Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, dường như nghị định mới vẫn chưa "dọn" được những mâu thuẫn của quy định cũ.

Thay đổi mang tính hình thức

Nghị định 132 được ban hành ngày 5/11/2020, thay thế Nghị định 20/2017 và Nghị định 68 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 20/12/2020. Theo đó, Nghị định 132 kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định số 20, chỉ bổ sung những nội dung còn thiếu, hoặc sửa đổi một số điều.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Nghị định 132 về cơ bản không có nhiều điều chỉnh khác biệt. Nội dung cơ bản vẫn được giữ nguyên với một số quy định bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp trong nước và không phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, việc khống chế tổng chi phí lãi vay ở mức 30% của người nộp thuế tại Khoản 3, Điều 16 trong Nghị định 132 (cũng tương tự Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20) là không phù hợp với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, việc khống chế chi phí lãi vay được cho là có hiệu quả trong việc chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, những doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các công ty theo mô hình tập đoàn, holding sẽ bị tính thuế 2 lần cho cả công ty mẹ và công ty con nếu cho nhau vay tiền.

Không ít doanh nghiệp phải nộp thêm hàng tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, do chi phí vay giữa công ty liên kết với các tổ chức độc lập như ngân hàng vượt quá 30% không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Như vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị bào mòn, chuyển lãi thành lỗ. Thậm chí, doanh nghiệp kinh doanh lỗ vẫn phải đóng thuế. Thực tế, việc nâng mức trần lên 30% chỉ khiến doanh nghiệp "dễ thở" hơn, nhưng không thực sự gỡ bỏ được bất cập bấy lâu nay.

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí lãi vay được tính khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo chi phí thực tế (Điều 9). Mức khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 132 mâu thuẫn với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi vì phần tổng chi phí lãi vay trong kỳ vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ không phải là “các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế” như nêu tại Khoản 2, Điều 9, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, Khoản 3, Điều 16 (tiếp nối Khoản 3, Điều 18, Nghị định 20) cũng không thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị quyết 10-NQ/TW.

Ước tính, cả nước hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết, trong đó khoảng trên 70% là doanh nghiệp ngoại. Đến nay, chưa một doanh nghiệp FDI nào có phản ứng về các quy định trong Nghị định 20, cũng như 132. Trong khi đó, khối doanh nghiệp nội liên tục “kêu cứu” khi bị đẩy vào thế khó do Nghị định điều chỉnh nhầm đối tượng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Nghị định 132 về bản chất vẫn là sự nhầm lẫn đối tượng. Cơ quan thực thi pháp luật theo Nghị định 132 đã và đang gây khó cho doanh nghiệp trong nước, với tư tưởng “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.

Sân chơi thiếu bình đẳng

Trong buổi họp báo chuyên đề về Nghị định 132 gần đây của Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế đã giải thích: “Chúng ta không có phân biệt doanh nghiệp liên kết với nước ngoài hay trong nước, phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch”.

Cũng theo lãnh đạo của Tổng cục Thuế, quy định này cũng để hạn chế tình trạng "vốn mỏng" của doanh nghiệp, phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính để mở rộng đầu tư, gây rủi ro cho hệ thống trong dài hạn: “Nghị định được nghiên cứu, xây dựng các quy định, khắc phục tình trạng vốn mỏng”, ông Minh nói.

Không đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, câu chuyện huy động vốn là quyền của doanh nghiệp. Tùy khả năng của mỗi doanh nghiệp mà họ vay được nhiều hay ít. Doanh nghiệp lên sàn, có uy tín, được chấm điểm cao thì huy động vốn nhiều, có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp có thể vay các tổ chức tài chính, ngân hàng, các tổ chức kinh tế, bên thứ ba tùy mức mong muốn. Xét duyệt cho vay hay không là trách nhiệm của bên cho vay. Nếu như doanh nghiệp không có khả năng chi trả thì phải chịu phạt. Ở đây, câu chuyện kiểm soát vốn không thuộc về quyền hạn của cơ quan thuế. Nếu nói siết thuế để hạn chế doanh nghiệp vốn mỏng là không hợp lý, là sai luật và tạo sân chơi không bình đẳng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Đặc biệt, với nhiều công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như nông nghiệp công nghệ cao, vật tư y tế, giáo dục…

Nếu hạn chế các doanh nghiệp nhỏ, vốn mỏng vay vốn làm ăn có nghĩa là thiếu sự công bằng đối với họ. Đối với một doanh nghiệp muốn phát triển về quy mô, tăng liên doanh, liên kết càng gặp nhiều bất lợi hơn, không thể phát triển.

Một văn bản quy phạm pháp luật có tính kìm hãm việc kinh doanh của các doanh nghiệp vốn ít, không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó phát triển, đóng góp cho nền kinh tế là một chính sách “đi lùi”, thiếu tính bình đẳng trong kinh doanh.

“Khủng hoảng do bệnh dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều doanh nghiệp. Họ phải mất ít nhất vài năm để hồi sức. Muốn hồi sức thì phải có vốn để tái sản xuất kinh doanh. Không đi vay thì không đủ vốn, mà đi vay, nếu vượt trần, doanh nghiệp lại bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp, dù phần vay này chưa biết liệu có lãi hay không. Doanh nghiệp còn đang bế tắc, cơ quan quản lý thì vẫn cứ tiếp tục siết “vòng kim cô”. Điều này sẽ khiến không ít doanh nghiệp “chết oan”, mặc dù doanh nghiệp đó không trốn thuế, không gian lận”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Theo Đời sống
back to top