Sống trong sợ hãi
Theo phản ánh của người dân xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều hiện tượng đất sụt lún, hình thành những hố lớn trên cánh đồng Na Pải, xã Châu Hồng và nhiều khu vực khiến cho mọi người sống sợ hãi, bất an.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Quỳ Hợp đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An cử các đơn vị có chuyên môn hoặc các tổ chuyên gia đầu ngành về địa chất để tiến hành khảo sát, đánh giá khoa học, làm rõ nguyên nhân.
Theo lãnh đạo UBND xã Châu Hồng, hiện tượng sụt đất xảy ra bắt đầu từ ngày 18/01/2021; đến tháng 4/2021 đã có 6 hố sụt lún tại cánh đồng Na Pải. Các hố sụt lún có đường kính trung bình từ 2,5 đến 7m, chiều sâu từ 1,5 đến 2,5m.
Gần đây nhất, trong tháng 10/2021, hiện tượng sụt lún tiếp tục xuất hiện nhiều nơi và tiến sát đến khu dân cư. Ngày 15/10/2021, tại sân nhà anh Lương Văn Thắm (trú bản Na Noong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp) xuất hiện nhiều vết nứt, sau đó, xuất hiện hố sâu khoảng 3m, rộng chừng 6m. Năm 2020, vườn rau nhà anh Thắm cũng từng xuất hiện một hố sâu 2m, rộng khoảng 2m. Ngay sau đó gia đình anh Thắm phải khẩn trương di dời đi nơi khác.
Tính đến nay, đã có 11 điểm sụt lún xảy ra ở huyện Quỳ Hợp. Tại địa bàn xã Châu Hồng, song song với quá trình sụt lún đất còn xảy ra hiện tượng mất nguồn nước ngầm. Toàn xã có 156 giếng bị cạn kiệt nước bao gồm: bản Na Hiêng 109 giếng, bản Na Noong 23 giếng và bản Công 24 giếng. 170 hộ dân của 3 bản này bị ảnh hưởng sinh hoạt nghiêm trọng do giếng nước kiệt.
Thủ phạm do nước?
Ông Trần Đức Lợi – Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện đã có văn bản báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét cử các đơn vị có chuyên môn về địa chất tiến hành khảo sát, nghiên cứu để tìm ra biện pháp đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập nhiều đoàn khảo sát, kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận nào về nguyên nhân sụt lún.
Chuyên gia mỏ địa chất TS Trần Hữu Tuyên, Trưởng Khoa Địa lý - Địa chất (ĐH Tổng hợp Huế) đã từng nghiên cứu hơn 100 hố sụt lún khu vực miền Trung cho rằng, nguyên nhân của các hố sụt là do cấu trúc địa chất. Các tai biến sụt, trượt đất thường liên quan đến thủy động lực dòng ngầm trên vùng trầm tích carbonat (karst). Hiện tượng này xảy ra nhiều ở những vùng có nhiều núi đá vôi.
Theo TS Tuyên, thông thường sau các đợt mưa lũ hoặc hạn hán, đất đá bị karst hóa mạnh, tạo ra nhiều hang, khe rãnh, các đới dập vỡ trong cấu tạo tầng đá gốc. Tác động bất thường của thời tiết trong những năm gần đây như hạn hán, ngập lụt là một trong những nguyên nhân tăng cường hiện tượng sụt đất. Ở những vùng địa hình trũng thấp, tầng phủ mỏng “nhạy cảm” dễ sụt lún tạo ra các hố khi có những tác động bất thường của thời tiết. Quy mô kích thước các hố phụ thuộc vào diện tích hang karst phía dưới.
Bên cạnh việc sụt lụt, tại Quỳ Hợp còn diễn ra thiếu hụt mực nước ngầm. Điều này cho thấy nước là một trong những nguyên nhân gây sụt lún. Thiếu hụt nước ngầm làm rỗng các hang karst phía dưới. Ngoài ra, hoạt động nổ mìn khai thác đá hoặc khai thác cát, xây dựng công trình... cũng tác động thêm làm hiện tượng đất đá nứt nẻ, karst hóa theo đứt gãy mạnh hơn.
Để hạn chế vấn đề sụt lún cần phải quản lý các hoạt động khai thác địa chất khoáng sản và khôi phục tầng nước ngầm bù đắp lại mực nước ngầm thiếu hụt. Cần khôi phục hoặc tạo dựng hệ thống sông ngòi để đưa nước về lấp đầy các hang karst ngầm. Nước lấp đầy các hang karst tạo ra áp suất và lực đỡ giúp các hang không bị sụt lún.