Ngăn nước mặn, trữ nước ngọt “cứu” ĐBSCL

(khoahocdoisong.vn) - Xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước, sông Mê Kông xuống mức kỷ lục… đang đẩy người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào những khó khăn chồng chất.

Đập mở ngăn mặn

TS Hoàng Ngọc Kỷ (phường Tân Hưng, quận 12, TPHCM từng là giám đốc kiêm chủ nhiệm nhiều phương án nghiên cứu đo vẽ bản đồ địa chất Đệ Tứ đồng bằng Việt Nam cho hay, với kết cấu đơn giản, dễ thi công, có giá thành rẻ và tuổi thọ cao, đập mở ngăn thủy triều có thể là một giải pháp hiệu quả để đối phó với tình trạng hạn mặn có xu hướng ngày càng gia tăng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đập mở là đập ngăn thủy triều có một cửa chính luôn mở, các cửa phụ còn lại có thể đóng mở tùy theo tình hình dòng chảy và thủy triều. Về bản chất, đập là một bức tường xây chắn ngang sông được làm bằng đất, đá hoặc xi măng. Đập mở theo thiết kế này  bao gồm các hàng cọc nằm sát nhau, chắn ngang qua cửa sông để hạn chế dòng chảy, thu hẹp cửa sông để mực nước sông luôn cân bằng hoặc cao hơn mực nước thủy triều, giúp tránh xâm nhập mặn. Một số đoạn cọc sẽ làm ngắt quãng để tạo ra cửa chính và cửa phụ, số lượng cửa sẽ tùy theo độ rộng của mỗi con sông.

Cửa chính nằm ở giữa sông, có độ rộng đủ lớn để tàu, bè đi lại dễ dàng. Độ rộng của cửa chính phụ thuộc nguồn nước của từng con sông và các điều kiện tự nhiên khác ở khu vực xây dựng đập. Cửa phụ thứ nhất và cửa phụ thứ hai có chức năng điều tiết dòng chảy. Trong đó, cửa phụ thứ nhất được đóng mở nhờ sà lan; sà lan có thể di chuyển ngang qua sông nhờ hệ thống dây kéo hoặc động cơ, có thể nổi lên hoặc chìm xuống nhờ hệ thống máy bơm hoặc van nước. Cửa phụ thứ hai có cánh cửa là tấm chắn có kết cấu bản lề, có thể tự động xoay theo chiều nước sông và có vật chặn để cửa không xoay ngược lại khi có thủy triều.

Theo thiết kế, cọc chắn là cọc bê tông cốt thép với kích thước khoảng 50 x 50. Tuy nhiên, chủng loại và kích cỡ cọc có thể thay đổi sao cho thích hợp với điều kiện thực tế của từng con sông. Khi xây dựng, có thể áp dụng nhiều kỹ thuật thi công khác nhau như cọc khoan nhồi, cọc ép (đóng), cọc khoan thả... trong đó, ưu tiên sử dụng cọc ép để tiết kiệm chi phí và thời gian thi công.

Ngăn sông trữ nước ngọt

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, một trong những giải pháp giữ nước ngọt hiệu quả là biến những dòng sông trở thành hồ trữ ngọt. ĐBSCL là một trong 5 vùng trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, với kịch bản biến đổi khí hậu trung bình, đến năm 2100 mực nước biển dâng lên 70cm. Nhưng ở Việt Nam, tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tiến hành đo độ lún ở ĐBSCL tại 3 điểm của Cà Mau trong nhiều năm và đưa ra con số tốc độ lún bình quân ở vùng đất này khoảng 2,5cm/năm. Như vậy, 100 năm nữa ĐBSCL sẽ lún 2,5m. Thậm chí, có dự đoán còn cho rằng ĐBSCL chỉ còn tồn tại khoảng 80 năm.

Có thể khẳng định chắc chắn là ĐBSCL đã và sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi nước biển dâng và biến đổi khí hậu, vì cao độ của vùng đất này thấp. Chúng ta có thể liên tưởng đến Hà Lan, quốc gia phần lớn nằm ở độ cao dưới mực nước biển (lại còn có những vùng người ta phải đắp đê sau đó hút nước ra, chẳng hạn như sân bay Amtesdam nằm ở độ cao thấp hơn mực nước biển khoảng 7 – 8m). Từ năm 1953, sau trận lũ lịch sử, người Hà Lan đã đẩy mạnh đắp đê lấn biển, nhưng những sáng kiến trị thủy của Hà Lan không phải lúc nào cũng đúng ngay từ đầu. Ví dụ, họ làm đê ngăn mặn, nhưng một thời gian sau, nhận thấy những con đê chính là tác nhân tác động xấu đến môi trường. Về sau, Hà Lan phải mở đê (bằng cách mở cống) để trả lại dòng chảy tự nhiên, chỉ khi nào cần thiết (bão trên biển Bắc) mới đóng cống lại.

Ở Việt Nam, gần đây chúng ta nhận thức mới được vấn đề này và đã chuyển từ khái niệm ngăn mặn sang kiểm soát mặn, thích ứng với mặn. Các cống thủy lợi đã dần khép kín một vùng rộng lớn, để giữ nước ngọt trong kênh rạch, ngăn mặn ngoài sông trong một giai đoạn ngắn. Phần lớn thời gian trong năm trả về trạng thái lưu thông tự nhiên cũng là một giải pháp ngăn mặn hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top