Ngân hàng và bất động sản "rủ nhau" tăng vốn đồng loạt

(khoahocdoisong.vn) - Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2021 đang dần kết thúc, tuy nhiên, câu chuyện tăng vốn vẫn tiếp tục là chủ đề nóng trong những ngày gần đây. Ngân hàng và bất động sản (BĐS) là hai nhóm ngành tích cực nhất thị trường trong cuộc đua tăng vốn.

Ngân hàng đồng loạt tăng vốn

Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, ngoài những tờ trình liên quan đến kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, thoái vốn công ty con, chuyển sàn giao dịch cổ phiếu... nhiều ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đều có thêm tờ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Theo SSI Research, có khoảng 16 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2021 và đã được ĐHĐCĐ thông qua. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng (tăng 31% so với năm 2020). Chiếm 75% con số này (tương đương 61.800 tỷ đồng) ước tính tăng thông qua phương án chia tách cổ phiếu.

Còn lại, số vốn khoảng 18.300 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 22%), được tăng từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu. Số ít sẽ được thông qua phát hành ESOP, với tổng giá trị khoảng 2.600 tỷ đồng (3%).

Vietcombank đứng đầu hệ thống ngân hàng với kế hoạch tăng vốn điều lệ nhiều nhất, 12.900 tỷ đồng, lên mốc 50.000 tỷ đồng. Nếu thành công, ngân hàng này sẽ vượt qua BIDV và VietinBank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất vào cuối năm nay. Đáng lưu ý là cả VietinBank và BIDV cùng có kế hoạch tăng vốn khủng trong năm 2021, lần lượt là 10.800 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng, xếp thứ 2 và thứ 4 về mức tăng, lên 48.000 tỷ đồng và 48.500 tỷ đồng, tiếp tục nằm trong top 3 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ cao nhất.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu dồi dào sẽ dễ dàng trụ vững, ngược lại ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu mỏng có nguy cơ bị mất thanh khoản.

Bởi vậy, việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng là cần thiết để gia cố "gối đệm" trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, cũng như nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II và hướng tới tuân thủ Basel III. Đây cũng là yêu cầu cần thiết về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. 

Mặt khác, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo, khi ngân hàng tăng vốn, áp lực đảm bảo mức lợi nhuận cũng phải tăng theo. Nếu các ngân hàng hướng tới tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá để đẩy cao lợi nhuận thì rất nhiều rủi ro, dễ khiến chất lượng tài sản suy giảm.

Cũng cần lưu ý, tính toán vốn kinh tế và phân bổ vốn tự có là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để điều hành ngân hàng. Cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ sẽ khiến công việc phân bổ vốn trong hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn hơn.

Ngoài ra, có nhiều ngân hàng dự kiến tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Tăng vốn qua phương pháp này phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính của các cổ đông, chưa kể đến những quy định ràng buộc về pháp lý có liên quan đến việc đầu tư của các tổ chức.

Siết trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản nâng vốn từ cổ phiếu

Trong khi nhóm ngân hàng tăng vốn trở lại sau hai năm gián đoạn, các công ty bất động sản cũng nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để chuyển từ huy động vốn bằng trái phiếu sang cổ phiếu nhờ trạng thái tích cực của thị trường chứng khoán và kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020, quý 1/2021. 

Nếu như năm 2020, mức tăng vốn còn khá khiêm tốn ở mức xấp xỉ 2.400 tỷ đồng (chủ yếu thông qua cổ tức cổ phiếu/cổ phiếu thưởng), thì sang năm 2021, có 7 công ty BĐS niêm yết lên kế hoạch tăng vốn với số tiền dự kiến ban đầu là 18.700 tỷ đồng, thông qua phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi và 434 tỷ đồng thông qua cổ phiếu ESOP. Phần còn lại là kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua cổ tức cổ phiếu.

Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng - Tập đoàn DIC (DIC Corp) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian thực hiện ngay sau khi nhận được chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 

Giá chào bán là 20.000đ/cp, tương ứng với số tiền cần huy động 1.500 tỷ đồng. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2021, DIC Corp cũng thông báo triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 17%, tổng số lượng 59,6 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ tăng từ 3.503 tỷ đồng lên 4.099 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý 2/2021.

Mới đây, Cen Land lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 1.056 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm gần 106 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 9,6 triệu cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức năm 2020, số cổ phiếu phát hành cho cán bộ công nhân viên dưới hình thức ESOP đạt gần 4,8 triệu cổ phiếu, và cuối cùng 91,2 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu, nguồn tiền thu về dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng nhằm đầu tư mở rộng quỹ đất.

Novaland cũng đã phát hành hơn 7 triệu cổ phiếu để chuyển đổi 92,6 trái phiếu, tương đương 18,5 triệu USD (426 tỷ đồng).

Có thể thấy, thị trường chứng khoán “bùng nổ” chính là yếu tố kích thích doanh nghiệp tích cực trong cuộc đua phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên, tăng vốn điều lệ không phải là tất cả. Tăng vốn chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Tăng trưởng bền vững, đa dạng, duy trì liên tục mới đưa vị thế ngân hàng lên một tầm cao mới.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top