Đây là số liệu được Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần đầu tiên tháng 8 (2-6/8).
Cụ thể, trong tuần gần nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát sinh giao dịch mới qua kênh thị trường mở. Trong khi các hợp đồng kỳ hạn mua ngoại tệ từ đầu năm tiếp tục được thực hiện, giúp nguồn cung tiền VNĐ được cải thiện.
Đáng chú ý, tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 75% lượng hợp đồng mua ngoại tệ của NHNN đã đáo hạn và khối lượng còn lại sẽ được thực hiện hoàn toàn trong tháng 8.
Lượng tiền kể trên là số ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng được NHNN mua từ các ngân hàng thương mại hồi đầu năm với giá trị gần 7 tỷ USD, ở tỷ giá 23.125 đồng/USD. Giá trị quy đổi tương đương theo tỷ giá khi mua vào khoảng 157.000 tỷ đồng.
Trong đó, các hợp đồng này đã đến hạn thanh toán từ tháng 7. Với việc hoàn thành gần 75% lượng hợp đồng mua ngoại tệ kể trên, ước tính, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm khoảng 118.000 tỷ đồng ra thị trường qua kênh này.
Các ngân hàng đã được bổ sung gần 120.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ từ đầu tháng 7 đến nay. Ảnh: Nam Khánh. |
Việc các hợp đồng còn lại sẽ đáo hạn trong tháng 8 cũng tương đương với việc hệ thống ngân hàng sắp được bổ sung thêm gần 40.000 tỷ đồng thanh khoản.
Nhờ được bổ sung lượng lớn thanh khoản từ NHNN thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ kể trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái dồi dào. Kết quả là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần qua đã đi ngang ở kỳ hạn qua đêm, đóng cửa tuần ở mức 0,97%/năm. Tuy nhiên, lãi suất lại giảm mạnh ở kỳ hạn 1 tuần, kết tuần ở 1,1%/năm.
Theo các chuyên gia tại SSI Research, bất chấp việc lãi suất huy động ghi nhận xu hướng tăng cục bộ ở một số ngân hàng, dao động từ 0,15-0,3 điểm %, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mức thấp. Trong đó, lãi suất hiện phổ biến ở 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm ở kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,2-6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Ngoài việc sắp được bổ sung thanh khoản qua kênh đáo hạn ngoại tệ, trong giai đoạn tới, thị trường cũng có thể ghi nhận lượng lớn tiền VNĐ được bổ sung qua kênh mua lại trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước (KBNN).
Cụ thể, đây là kênh bơm tiền thông qua việc sử dụng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ. Kênh bơm tiền này đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm nay.
|
Giữa tháng 7 vừa qua, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và KBNN đã tổ chức phiên đấu thầu đầu tiên để mua lại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn với giá trị mua lại đạt 300 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo KBNN, trong quý III này, tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ là gần 55.000 tỷ đồng. Cơ quan quản lý có thể điều chỉnh khối lượng mua lại các kỳ hạn phù hợp với khả năng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi và tình hình thị trường.
Trong tuần đầu tháng 8, thanh khoản thị trường còn ghi nhận trạng thái dồi dào thông qua việc lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Cụ thể, tuần qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gọi thầu 4.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu với lãi suất ở 2,47%/năm.
Tương tự, KBNN cũng gọi thầu 8.500 tỷ đồng trái phiếu tuần vừa qua. Tỷ lệ trúng thầu đạt 86% và lãi suất trúng thầu giảm 0,03-0,1 điểm % ở tất cả kỳ hạn. Trong đó, nhu cầu trái phiếu Chính phủ duy trì ở mức cao, cho thấy thanh khoản thị trường vẫn trong trạng thái dôi dư.