Đối với con em cán bộ lãnh đạo thì đầu tiên cá nhân những người lãnh đạo phải tự giác giáo dục cho con cháu mình có quá trình phấn đấu rèn luyện. Từ đó các cháu tự thân phấn đấu lên chứ không phải nhờ cái bóng của ông bố đưa nó hết chỗ này đến chỗ kia, như thế chắc chắn nó hỏng, mình sai. Mà nó hỏng là tại mình, không nên như thế. Còn nếu các cháu tự giác phấn đấu trưởng thành, lại là con em cán bộ có truyền thống thì tốt chứ, sao lại phân biệt. Vấn đề ở đây là nhiều cán bộ trẻ chưa có cái gì mà cứ tâng các cháu lên là làm khổ cho nó. Làm thế thì có lỗi với dân.” – Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị. (plo.vn ngày 10/1)
Tiếc thay, những ông bố bổ nhiệm cho con không nhận thấy “nó hỏng, mình sai, có lỗi với dân”! Họ chỉ thấy “phúc phận” nhà họ to quá!
“Đặc biệt, vấn đề tham nhũng không có sự phát hiện bên trong mà chủ yếu là từ dư luận bên ngoài, nhờ sự giám sát của cử tri, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, HĐND, nhờ báo chí phản ánh, đơn thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân. Mặc dù chúng ta có thông tin về sai phạm yếu kém của cán bộ nhưng xử lý không hiệu quả. Hãy lấy những nguồn tin đó làm cơ sở khách quan, xác định rõ trách nhiệm xử lý những phản ánh đó thuộc về ai” – Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. (thanhnien.com.vn ngày 10/1)
Giả sử bây giờ nhân dân, dư luận không tham gia vào việc phát hiện và chống tham nhũng nữa thì sẽ thế nào nhỉ?
Nguyên Thuỷ