Nên xây dựng Luật Không khí sạch?

(khoahocdoisong.vn) - Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến cả kinh tế, sản xuất, dẫn đến biến đổi khí hậu. Mới đây, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức hội thảo khoa học “Cải thiện chất lượng không khí - cập nhật nghiên cứu và giải pháp ở Việt Nam”.

Chất lượng không khí không được cải thiện

Trong báo cáo thường niên về chỉ số hiệu suất môi trường (The Environmental Performance Index-EPI) do tổ chức môi trường Mỹ thực hiện, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TPHCM đều liên tục tăng cao, khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động. 

Tại Hà Nội, diễn biến chất lượng không khí từ năm 2000 – 2020 vẫn không thấy được cải thiện. Nồng độ bụi PM10 hầu hết vượt nồng độ trung bình (TB) ngày của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 05 vào mùa khô, PM 2.5 vượt nồng độ TB năm của QCVN 05. Nồng độ bụi, đặc biệt PM2.5 và PM0.1 (bụi nano) cao hơn nhiều do với nhiều khu vực khác trên thế giới. Hàm lượng khí NO2 tiệm cận hoặc vượt nồng độ TB năm của QCVN 05 ở khu vực nội thành. Khí O3 có dấu hiệu vượt ngưỡng TB giờ của QCVN 05 (Ví dụ, năm 2013, ở trạm Nguyễn Văn Cừ, vượt 11,1%).

Còn theo nghiên cứu xác định nguồn phát thải ở Hà Nội do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện từ tháng 8/2019 đến nay, kết quả cho thấy, trong tháng 8 - 9, nhiều mưa, bụi PM2.5 ít hơn. Nồng độ bụi PM2.5 tăng cao trong các tháng 12 đến tháng 1 (có thể từ hoạt động đốt rơm rạ hoặc đốt sinh khối có hàm lượng carbon hữu cơ cao).

Đáng lưu ý, Ngân hàng Thế giới còn phát hiện có chì và kẽm vượt trên giới hạn cho phép vào một số ngày tại trạm giao thông. World Bank cho rằng nồng độ chì cao cho thấy có việc sử dụng xăng có chì, nồng độ kẽm cao còn có thể do sự tái phát thải của đất, bụi đường, các nguồn khác như nguồn công nghiệp.

Tổ chức Môi trường Mỹ cũng cho rằng, nguồn bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và sản xuất công nghiệp.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, giao thông cơ giới là một nguồn chính phát thải bụi (và có thể cả VOCs - hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại trong không khí). Cơ sở của nhận định này là kết quả nghiên cứu xe máy đóng góp hơn 90% phát thải VOCs. Các chất ô nhiễm như bụi, No2, O3 đều có nguồn chính từ giao thông.

Nên Luật hóa

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra ô nhiễm không khí khiến hàng chục nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại ước tính 10,82 - 16,63 tỷ USD, tương đương 240.000 tỷ đồng, chiếm 4,45 - 5,64% GDP cả nước.

Mặc dù trong những năm gần đây chính quyền các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã có một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí như trồng cây xanh; tăng quy chuẩn lượng ô tô; tăng cường các xe buýt công cộng, kiểm soát các nguồn xả thải sản xuất… nhưng vẫn chưa có biện pháp quyết liệt, mang tính bền vững để giảm thiểu các nguồn ô nhiễm.

Cụ thể, với nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, hiện nay mới chỉ kiểm soát khí thải ô tô chứ chưa áp dụng cho xe máy. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc tiềm tàng nguy cơ gây ô nhiễm vẫn chưa thể di dời ra khỏi thành phố.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), các cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm hơn đối với người dân và có những biện pháp quyết liệt, cụ thể để giảm thiểu tình trạng này.

Cụ thể cần phải tăng cường các phương tiện giao thông công cộng, cần có những chính sách kinh tế để khuyến khích người dân tham gia, đầu tư vào hệ thống xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch.

Ngoài ra, phải kiểm soát chặt chẽ khí thải của các làng nghề. Cần thanh tra, kiểm tra, có những biện pháp để hạn chế, yêu cầu phải lắp đặt thiết bị xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Chính quyền cần quyết liệt trong việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng Kế hoạch quản lý không khí. Trong đó, việc kiểm kê khí thải là vô cùng quan trọng, nó giúp các nhà quản lý xác định được thải lượng và nguồn thải chính để có những biện pháp ưu tiên, xử lý kịp thời.

Còn GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên đề xuất nên xây dựng Đạo luật không khí sạch và thành lập cơ quan chuyên trách về chất lượng không khí để xây dựng hệ thống giám sát, quan trắc chất lượng không khí, từ đó có thể kiểm soát nguồn thải tốt hơn…

Theo Đời sống
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
back to top