GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam (hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và Việt Nam) cho rằng, việc bỏ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng được xem là cách làm hay, có khả thi trong việc đánh giá đúng năng lực của học sinh và chọn đầu vào chất lượng.
“Tuy nhiên, bên cạnh việc bỏ xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nên kèm theo các điều kiện, tiêu chuẩn nhất định để có được học sinh chất lượng. Nên xem xét việc sử dụng hai hệ số, đó là điểm trong học bạ và điểm thi tốt nghiệp để đánh giá thí sinh. Điểm thi đánh giá năng lực cũng là một cách hiệu quả và thực tế”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú bày tỏ quan điểm.
Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, cơ quan chức năng cũng cần đánh giá lại các kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hiệu quả chưa, có cần phải bỏ thi tốt nghiệp mà chỉ cần xét tốt nghiệp.
Nên bỏ xét điểm thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh minh hoạ. |
Cuối năm 2023, Trường Đại học Nha Trang công bố việc sẽ bỏ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, thay vào đó xét kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.
Đây là trường đại học đầu tiên của cả nước thay đổi về phương thức tuyển sinh khi chỉ lấy điểm của học sinh ở một số môn nhất định trong ba năm THPT, tùy theo ngành đào tạo, và phải đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Với điểm thi đánh giá năng lực, trường tập trung vào khả năng Toán (Toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học (giải quyết vấn đề). Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.