Năng lượng tái tạo: Doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng ngại chi

(khoahocdoisong.vn) - Chính phủ Việt Nam cũng đang có các chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp đầu tư lẫn ngân hàng cấp vốn đều cho rằng các chính sách chưa thiết thực, vẫn còn nhiều khó khăn.

Chính phủ khuyến khích

Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu xuất bản năm 2020 của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tính đến cuối năm 2019, tổng công suất năng lượng tái tạo trên thế giới vào khoảng 2,532GW, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo chiếm 26% lượng tiêu thụ, với tốc độ trung bình tăng 2,5%/năm trong 10 năm vừa qua.

Tại Việt Nam, xu hướng này được thể hiện rõ nét khi công suất và sản lượng điện bằng năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Tính đến hết tháng 10/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 106 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất khoảng 6.000MW. Hiện cũng có khoảng 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất khoảng 500MW và 325MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10MW…

Để có vốn cho số lượng các nhà máy trên vận hành, có 31 tổ chức tín dụng có phát sinh dư nợ đối với các dự án xanh với dư nợ trên 285.000 tỷ đông, tăng hơn 8% so với 2017, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, có 31 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội là trên 1.184.000 tỷ đồng, với trên 491.000 khoản cấp tín dụng được đánh gia rủi ro môi trường xã hội.

Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều quyết định, văn bản nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.

Tuy nhiên, ông Quân cũng thừa nhận, trong giai đoạn phát triển vừa qua còn có nhiều bất cập như giá bán điện cố định không kịp thời bám sát giá thiết bị chính trên thị trường dẫn đến việc phát triển lúc nóng lúc lạnh; việc phát triển lưới điện phân phối truyền tải không đồng bộ với sự phát triển của các nguồn điện năng lượng tái tạo dẫn đến quá tải lưới truyền tải và giảm công suất phát của một số nhà máy điện năng lượng tái tạo…

Để có thể thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào chính sách, chuyển sang đấu thầu cạnh tranh tạo công bằng minh bạch cho các nhà đầu tư; tăng cường hạ tầng truyền tải, hệ thống lưu trữ, điều độ vận hành hệ thống điện…

Doanh nghiệp vẫn khó

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, hiện tại việc tiếp cận nguồn vốn từ các nguồn tài chính để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề về thủ tục pháp lý. Tại Việt Nam có hơn 30 loại giấy tờ cần phải chuẩn bị, nếu là nhà đầu tư trong nước sẽ mất khoảng một năm, nếu là nhà đầu tư nước ngoài thì phải mất khoảng 2 - 3 năm do không thông thạo thị trường.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn đầu tư từ các ngân hàng tương đối khó khăn trong khi năng lực tài chính của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong nước còn hạn chế.

Hoàn thành đúng tiến độ, hòa lưới điện quốc gia; vốn đối ứng tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư; các ngân hàng thương mại trong nước cho các dự án vay bằng nội tệ, dựa trên năng lực tài chính chủ đầu tư, không phải tài chính dự án. Do vậy, nhiều dự án năng lượng tái tạo rất có tiềm năng nhưng do nhà đầu tư mới, năng lực chưa đủ mạnh thì khả năng vay vẫn rất khó khan.

Thêm vào đó, Ngân hàng không có động lực cho vay khi chênh lệch lãi suất không đáng kể và rủi ro khi cho các dự án điện năng lượng tái tạo cao, thời gian hoàn vốn dài, từ 10 - 15 năm nên các ngân hàng bị vướng các giới hạn an toàn.

Trong khi đó, với góc độ ngân hàng thương mại cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đại diện Ngân hàng VietinBank cho biết, mặc dù đứng trước nhiều cơ hội đầu tư tài chính cho sự phát triển bền vững nhưng đây cũng là lĩnh vực đầu tư mới, hành lang pháp lý liên quan cũng được được cơ quan chức năng ban hành và hoàn thiện nên việc cấp tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, vướng mắc về năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư là yếu tố đầu tiên bởi nhiều chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư hiện đã giảm so với trước đây nhưng vẫn yêu cầu nguồn vốn tương đối lớn trong khi thời gian xây dựng và lắp đặt ngắn… Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác liên quan đến việc tính toán, dự báo sản lượng điện khi lập dự án, tiến độ hoàn thành dự án, việc vận hành dự án, việc đấu nối, truyền tải điện…

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro. Việc thẩm định các dự án năng lượng tái tạo do phải tuân thủ quy hoạch ngành có tính chất kỹ thuật, công nghệ cao, năng lực yếu kém của một số chủ đầu tư, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là ngắn hạn, dự án gặp khó khăn về hạ tầng, đấu nối truyền tải điện dẫn đến không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện, chính sách phát điện chưa ổn định...

Bà Tùng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, sớm hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời nối lưới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định giá mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời theo đúng quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Đối với Bộ Tài chính, xây dựng các quy định chi tiết về Trái phiếu xanh như ban hành các quy định, điều kiện về trái phiếu xanh, các tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh đối với doanh nghiệp; Điều chỉnh quy định về số đợt phát hành, thời gian giữa các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định 81/2020-NĐ-CP đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện trực tiếp vào dự án năng lượng tái tạo.

Theo Đời sống
back to top