Nan giải tìm lao động sau Tết

(khoahocdoisong.vn) - Cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số tỉnh phải giãn cách, nên nhu cầu lao động của doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết lại càng bức thiết hơn.

Nhu cầu cao

Tại tỉnh Đồng Nai và Bắc Ninh, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn lên đến hàng nghìn công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, có doanh nghiệp tuyển dụng lao động số lượng không hạn chế nhưng vẫn không tuyển đủ.

Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 15.000 lao động. Do tình hình dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành các đơn hàng của năm trước. Hơn nữa, lượng đơn hàng ở các nước “đẩy” sang Việt Nam nhiều nên đầu năm nay, lượng đơn hàng tăng lên, từ đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao hơn. 

Năm 2021 là năm đầu tiên thị trường lao động phía Nam có lượng lao động trở lại làm việc đạt hơn 80%, đặc biệt là các địa phương hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, tại TPHCM, Đồng Nai, tỷ lệ lao động quay lại làm việc sau Tết lên đến gần 100%. Con số khá ấn tượng, nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp mở rộng sản xuất thì 100% vẫn chưa đủ cho nhu cầu doanh nghiệp và thiếu vẫn hoàn thiếu.

Tại TPHCM, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, cần 30.000 lao động mới cần tuyển dụng sau Tết Nguyên đán. Trong đó, các doanh nghiệp trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố cần khoảng 12.000 người. Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,8%. Ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ; dệt may - giày da; chế biến thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; công nghệ thông tin; du lịch - nhà hàng - khách sạn.

Các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai cũng đăng tuyển tới 40.000 lao động mới, đa số đều không có nhu cầu khắt khe về tay nghề bởi các doanh nghiệp sẵn sàng đào tạo lại. Ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là da giầy, dệt may. Tại Bình Dương, 916 doanh nghiệp tại tỉnh này có nhu cầu tuyển dụng lao động mới sau Tết đạt con số kỷ lục là gần 96.000. Ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là gốm sứ, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất đồ gia dụng và bất động sản.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Việc thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán đã là tình trạng lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Theo PGS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia cao cấp Bộ Tài chính, thì nhiều công nhân ở xa sẵn sàng nghỉ thêm và chuyển việc mới. Kèm theo đó là tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn hiện hữu đối với nhiều người – nhất là đối với nhóm lao động giản đơn.

Còn đối với những nhân lực chất lượng cao, theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, nhóm này thường nhảy việc vào tháng 3, tháng 4 – thời điểm các doanh nghiệp tổng kết năm tài chính và chi trả lương thưởng xong. Nhóm này thường muốn tìm kiếm muốn một mức thu nhập cao hơn và mội trường làm việc tốt hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra khiến kinh tế toàn cầu suy giảm, việc kiếm được các đơn hàng đã khó, nhưng việc tìm kiếm công nhân để thực hiện các đơn hàng này lại còn khó hơn đối với các doanh nghiệp sau tết.

Đặc biệt, việc nghỉ Tết Nguyên đán chỉ diễn ra ở một số nước Á Đông, do đó, áp lực về đơn hàng sau Tết rất lớn. Đã không ít doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu bị phạt hợp đồng vì không thể đảm bảo đơn hàng sau Tết.

Luật sư Nguyễn Danh Huế cho hay, dù Luật đã có nhiều quy định yêu cầu người lao động trước khi nghỉ việc, nhảy việc phải thông báo trước cho công ty, đơn vị chủ quản. Tuy nhiên hiện nay không phải hành vi nào cũng có chế tài xử phạt hiệu quả.

Đơn cử như các lao động tay nghề giản đơn, khi nghỉ việc đột ngột, doanh nghiệp cũng rất khó để có các chế tài xử phạt vì mối quan hệ rằng buộc giữa chủ doanh nghiệp và người lao động rất lỏng lẻo.

Thiếu - tuyển dụng - đào tạo - nghỉ việc - thiếu - vòng luẩn quẩn này tái diễn từ năm nay qua năm khác. Người lao động sau khi được đào tạo lành nghề tại một công ty này lại muốn tìm một công ty khác với mức lương cao hơn.

Điều mà các doanh nghiệp đang hướng đến lúc này là ngoài một mức lương xứng đáng với năng lực, còn có thể mang đến cho người lao động những đãi ngộ tốt hơn, có tính cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp thực sự tốt, để người lao động cảm thấy “yêu” doanh nghiệp và muốn gắn bó với doanh nghiệp, ông Huế nhìn nhận.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, muốn giải quyết vấn đề việc làm sau Tết cần sự vào cuộc của cả xã hội. Đồng ý rằng doanh nghiệp phải tạo ra văn hóa thu hút người lao động, nhưng theo hướng ngược lại, ông Thịnh cũng cho rằng, người lao động phải có tinh thần gắn bó với doanh nghiệp. Thêm vào đó, là sự điều chỉnh của Nhà nước về thị trường lao động.

Theo Đời sống
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
back to top