Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, NHNN vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện.
Riêng những bất động sản mang tính đầu cơ hoặc thuộc dự án lớn có độ rủi ro cao vẫn sẽ được giám sát chặt chẽ vào năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục đích đầu cơ, tạo ra sự bất ổn của thị trường có trong chứng khoán cũng sẽ bị giám sát, kiểm tra.
Tính tời thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đến nay đạt 12,97%. Do cuối năm, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh nên có thể đến hết năm 2021 sẽ đạt khoảng 14%. Cụ thể, chỉ trong vòng hơn một tháng qua tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,87 điểm %, tương đương quy mô mở rộng gần 264.000 tỷ đồng.
Ông Tú nhận định, lượng tín dụng bơm thêm ra nền kinh tế trong năm 2021 có thể ở mức gần 1,29 triệu tỷ, nâng tổng quy mô dư nợ lên xấp xỉ 10,48 triệu tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã mở rộng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với lúc đầu là 12%. Trong đó, việc nới room tăng trưởng tín dụng đã được thực hiện 2 lần vào 3 và quý 4.
Lúc đầu, các ngân hàng đặt mục tiêu tương đối thấp, nhưng sau đó hầu hết các ngân hàng đều chủ động nộp đơn lên Ngân hàng Nhà nước xin nới room, tăng vốn. Có ngân hàng còn xin tăng vốn để phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông, khách hàng.
Tiêu biểu phải kể đến là ngân hàng TPBank và Techcombank với mức tăng trưởng tín dụng cao nhất lần lượt 23,4% và 22,1%. Tiếp đó là MSB được giao hạn mức 22%, MB 21%, LienVietPostBank 18,1%, VPBank 17,1%, OCB 15%, Vietcombank 15%,…
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% và có thể linh hoạt theo định hướng điều hành. Việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sẽ được thực hiện theo các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và các phương án điều hành khác.
Riêng về vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Tú cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện là 1,9% tăng 0,21 điểm% so với cuối năm trước. Nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý là 3,79%.
Đáng chú ý, nợ xấu nội bảng cùng với nợ đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn đã cơ cấu theo Thông tư 01, 03 ,14 là 8,2%.