Trung tâm Y tế Sheba của Israel đã thử nghiệm tiêm mũi nhắc lại thứ hai (liều văcxin thứ 4) cho các nhân viên với văcxin COVID-19 của Pfizer và Moderna.
Theo bà Gili Regev-Yochay, Giám đốc khoa Bệnh truyền nhiễm, liều văcxin bổ sung thứ hai có làm tăng số lượng kháng thể. Tuy nhiên, nó dường như vẫn không thể giúp người được tiêm không bị nhiễm biến thể Omicron.
Hiện nay, trước làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra, nhiều nước đã cho phép tiêm văcxin liều thứ 3, bắt đầu từ người già, người có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu.
Dù vậy, các chương trình bổ sung, đặc biệt là liều thứ 4, đã vấp phải sự hoài nghi của một số chuyên gia về việc liệu có nên tiến hành tiêm liều văcxin bổ sung hay không và mức độ rộng rãi ra sao vì cứ vài tháng lại tiêm cho cả thế giới là không khả thi.
BS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết mục tiêu nên là có một liều văcxin bổ sung có thể phản ứng với nhiều biến thể tiềm năng.
Cách đây một tuần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi rằng việc tiêm nhắc lại các liều văcxin COVID-19 hiện nay không phải chiến lược khả thi để chống lại Omicron, mà cần một loại vắc xin mới hoặc cập nhật để chống lại sự lây lan quá nhanh của biến thể này.
Theo Reuters, ngày 17/1, Moderna cho biết việc phát triển văcxin được điều chỉnh để ngăn ngừa biến thể Omicron đã hoàn tất, hy vọng có thể công bố các dữ liệu vào tháng 3/2022.