Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh vượt, trái tuyến từ ngày 1/7/2018 thế nào?

Khi đi khám bệnh vượt tuyến hoặc trái tuyến, mức hưởng BHYT của người bệnh sẽ được quy định từ ngày 1/7/2018 ra sao? Xin cho biết, hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT được quy định như thế nào? Đây là một trong những thắc mắc của bạn đọc tại buổi Giao lưu trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, chương trình do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Về nội dung này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 22 Luật BHYT, người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến trong năm 2018, được quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ như sau:

Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Mức hưởng về quyền lợi khám chữa bệnh do BHYT chi trả cũng gia tăng. Ảnh: TM

Đối với người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Đối với đối tượng người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT theo phạm vi, mức hưởng của đối tượng khi khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Về hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT, gồm các giấy tờ sau:

Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành; thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh về nhân thân và giấy chuyển viện/giấy hẹn khám lại (nếu có); giấy ra viện; bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).

Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,3 triệu lên 1.39 triệu theo quy định tại Nghị quyết 49/2017/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Do đó, mức tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và mức hưởng BHYT cũng có những thay đổi và mức hưởng về quyền lợi khám chữa bệnh do BHYT chi trả cũng gia tăng. Việc tăng lương cơ sở cũng giúp quyền lợi và mức hưởng BHYT của chủ thẻ tham gia BHYT được gia tăng theo. Số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm tài chính làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (6 tháng lương cơ sở) điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2018.

Cũng từ ngày 1/7/2018, chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở cũng được điều chỉnh tăng từ 195.000 đồng lên 208.500 đồng. Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở cũng được điều chỉnh tăng từ 58,5 triệu đồng lên 62,55 triệu đồng.

Theo Bình Hoàng (suckhoedoisong.vn)

Theo Đời sống
back to top