Cúng vàng mã gây hậu quả sâu xa
Vu lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu theo lời Phật dạy, vào ngày rằm tháng bảy, khi các chư tăng vừa an cư kiết hạ, đạo lực sung mãn, hào quang rực rỡ, nhờ hợp lực đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Phật cũng dạy rằng những người con hiếu thảo muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này. Từ đó ngày lễ Vu Lan trở thành ngày truyền thống của người con Phật.
Theo đó, vào dịp tháng bảy hằng năm, tín đồ Phật giáo tổ chức cúng dường, dâng phẩm vật lên Tam Bảo, làm phúc bố thí, phóng sinh, không sát sinh, tích phước, cầu an để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một nghi thức để báo hiếu cho những người thân đã mất.
Còn “xá tội vong nhân” theo tín ngưỡng dân gian, 15/7 âm lịch là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân bị giam cầm trong địa ngục, nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng. Để cho các vong hồn này không quấy nhiễu đời sống thì người ta cúng cháo loãng đổ vào cái phễu làm bằng lá đa, rắc gạo, bỏng, muối, khoai sắn, đồ mã…
Ngày nay, nhiều người khá giả, nhớ đến những ngày gian khó của mẹ cha mà động lòng trắc ẩn, muốn báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục mà không còn cơ hội, nên đã bày ra các nghi thức cúng giỗ linh đình, sắm sửa đủ loại đồ mã... hệt như các vật dụng của trần gian để cúng lễ.
Đó là quan niệm mê tín về cúng mã, phong tục này vốn không phải là truyền thống của dân tộc ta, mà là du nhập từ bên Tàu rồi lâu dần được coi như “phong tục địa phương”. Động thái này tưởng chừng như vô hại, nhưng về phương diện tâm linh thì lại gây hậu quả rất sâu xa.
Cứ giả sử như cúng "hình nhân thế mạng” là linh ứng cho vong linh thì chẳng hóa ra chúng ta nuôi dưỡng thói bất nhân của Lý Thông, khi phạm tội thì bắt người khác thế mạng hoặc chịu phạt thay cho mình hay sao?
Lại còn chuyện tiền mã đồ mã: Các cõi giới khác nhau thì không thể dùng chung một loại phương tiện, thế giới siêu hình không có thân như chúng ta thì làm sao có thể mặc quần áo như chúng ta, và cõi giới khác không thể dùng hình thức lưu thông hành hóa bằng đồng tiền như thế giới trần gian, vậy nên cho dù có cúng tiền thật hay đốt tiền mã thì thế giới Tâm linh đều không dùng được. Cũng vậy, sự sinh hoạt, hay sự lưu thông ở cõi siêu hình hoàn toàn không theo quy luật vật lý của thế giới hữu hình, nên cũng không dùng các phương tiện theo quy tắc vật lý của thế giới hữu hình.
Thông qua hàng vạn ca khảo nghiệm giao lưu với vong linh của cõi siêu hình, chúng tôi đều nhận được kết quả khá tập trung: đó là khi đốt vàng mã, vong linh tuy có NHẬN ĐƯỢC, nhưng KHÔNG DÙNG ĐƯỢC, do vậy việc đốt đồ mã cũng chẳng giúp ích gì cho thế giới siêu hình trên con đường tiến hóa Tâm linh.
Dâng cúng gì cho thích hợp?
Nhà Phật có câu: “tài thí không bằng pháp thí”, cho tiền bạc không bằng cho trí tuệ. Tặng quà cho người thân đã mất là làm sao cho họ thoát khỏi cảnh giới địa ngục phiền não, khổ đau, đó là món quà quý giá nhất. Trong kinh Tăng chi bộ của Nhà Phật có dạy rằng: Có hai hạng người mà ta không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ.
Cho dù cúng dâng cả núi tiền núi bạc cũng chưa phải là Đại hiếu; Cho dù xây mồ to mả đẹp cho mẹ cha thì cũng chưa phải là Đại hiếu; Cho dù giết trâu mổ bò, sắm sanh lễ vật, cúng lễ linh đình thì cũng chưa gọi là Đại hiếu... Nếu người con đi ăn trộm niêu cơm của hàng xóm về nuôi cha mẹ thì họ thà nhịn đói còn hơn. Do vậy, nếu lấy của cải do trộm cắp, cờ bạc, số đề, ma túy, tham ô, tham nhũng về xây mồ to mả lớn, xây từ đường hoành tráng nguy nga… thì các vong linh càng hổ thẹn, càng thêm đau khổ.
Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
– Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.
– Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.
– Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.
– Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai.
Hơn nữa, các vong linh thường mong con cháu làm điều lành, điều thiện để hồi hướng công đức cho gia tiên để họ được trở về cảnh giới an lành, Họ rất phiền lòng nếu thấy con cháu làm những điều xấu xa làm hổ danh cha mẹ, tổ tiên, họ rất phiền lòng khi người thân sát sinh hại vật hoặc dâng cúng các đồ tanh hôi.
Vì vậy, rằm tháng 7 nên cúng chay tịnh. Các con hiền dâu thảo thì không chỉ báo hiếu gia tiên mà còn phải thực hành hạnh từ bi đến muôn loài chúng sinh, không những ban phát, bố thí tài vật, mà còn phải ban pháp thí cho muôn loài chúng sinh, cho cộng đồng xã hội,.
TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA)