Một phường ở TP.HCM bị 'bom' 100 đơn hàng đi chợ hộ

Hiện nay, nhiều phường phản ánh có tình trạng người dân đặt hàng đăng ký đi chợ hộ nhưng khi giao hàng lại không có ai nhận. Phường An Phú ngày 27/8 bị "bom" tới 100 đơn hàng.

Từ ngày 23/8, việc đi chợ cho người dân TP.HCM do phường, xã trực tiếp đảm nhận. Sau 5 ngày triển khai, trong khi nhiều người chật vật đặt hàng "đi chợ hộ" thì nhiều địa phương phản ánh tình trạng cán bộ đi chợ giúp nhưng khi giao lại không có người nhận, một số trường hợp trả lời "chỉ đặt thử".

Theo tìm hiểu, đa số các lực lượng phụ trách của phường, xã khi nhận đi chợ hộ sẽ có 2 cách: Nhận chuyển khoản trước và người dân trả tiền sau. Do đó, với hình thức trả tiền sau nhiều người lợi dụng đặt xong không nhận.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức cho biết ngày 27/8 phường tiến hành giao hàng đợt đầu tiên cho người dân thì bị "bom" (đặt hàng nhưng không nhận - PV) khoảng 100 đơn hàng.

"Tình trạng bom hàng, không nhận hầu như đều xảy ra ở các phường trên địa bàn. Có người gọi điện tới thì tắt máy, có người trả lời 'không đặt nữa', có người lại nói 'đặt thử xem chứ không mua'", ông phản ánh.

Ông Hải cho biết hiện nay các đơn hàng đều phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng là siêu thị. Do triển khai đồng loạt nên siêu thị chuẩn bị hàng không kịp cho các phường nên 2-3 ngày sau người dân mới có thể nhận được. Do đó, nhiều người có tâm lý muốn mua nhanh nên hủy đơn hàng.

bom 100 don hang di cho ho anh 1

Những ngày này, cán bộ phường xã luôn tất bật với hàng nghìn đơn hàng đi chợ hộ. Ảnh: Phương Lâm.

Hơn nữa, các đơn hàng đều theo dạng combo không phải theo từng món hàng do đó có nhiều thời điểm thiếu hàng, khó đúng ý người dân nên họ không nhận.

"Ngày hôm qua, đến hơn 23h đêm, chúng tôi vẫn phải đi tới các chung cư, nhà dân có nhu cầu để sang nhượng lại số hàng hóa đó để thu hồi vốn, tiếp tục mua hàng cho người dân. Bởi hàng hóa, thực phẩm không thể để lâu", ông nói.

Theo ông, đa số người "bom" hàng chủ yếu là người đăng ký qua phiếu, mua giao và nhận tiền. "Giữa 2 bên thiếu sự ràng buộc nên họ có quyền hủy đơn hoặc không nghe điện thoại", ông Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng căng thẳng, về nguồn nhân lực của chương trình cũng như lực lượng chuẩn bị thực phẩm của siêu thị bị thiếu hụt. Trong khi đó, số lượng công việc ngày càng tăng, nên không thể tránh những thiếu sót có thể xảy ra.

"Ngày đầu tiên, phía phường đã cố gắng giao được 80% đơn hàng đến tay người dân, một số người dân có thiếu sót chúng tôi đang tiếp tục bổ sung. Tình hình khó khăn nên chúng tôi khó có thể giao trọn vẹn được", đại diện phường An Phú cho hay.

Bên cạnh đó, do các siêu thị cung cấp thực phẩm đang quá tải nên một số đơn hàng vẫn chưa đến tay người dân. Đoàn phường đã gấp rút hối thúc phía nhà cung cấp nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân.

Trước đó, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho biết nhiều phường ở TP.HCM phản ánh có tình trạng người dân nhờ cán bộ đi chợ hộ. Khi hàng giao đến thì không nhận mà nói là đặt thử xem có thật không.

Trước tình trạng này, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đề nghị người dân "không thử nữa" mà chỉ liên hệ khi thật sự cần. Các cán bộ tham gia chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu rất vất vả. Do đó, ông mong muốn công sức đó cần dành để giúp đỡ những người thực sự khó khăn.

 
Theo zingnews.vn
back to top