Một đề xuất ngược đời, nhưng... hợp lý

(khoahocdoisong.vn) - Sau khi được cổ phần hóa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại đề xuất... mua lại phần vốn đã bán tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (ACV).

Được khai thác, nhưng không được sửa 

Giữa tháng 8.2019, Cảng hàng không Quốc tế (CHKQT) Nội Bài đã có báo cáo khẩn lên Cục Hàng không và Bộ GTVT về tình trạng xuống cấp của các đường băng và đường lăn tại sân bay Nội Bài.

Báo cáo nêu rõ, các đường băng và đường lăn này của sân bay Nội Bài có khả năng dừng khai thác bất cứ thời điểm nào do hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn bay. Nguyên nhân chủ yếu là do các đường băng và đường lăn này luôn ở trọng tình trạng vượt quá tải trọng và lượt bay cho phép.

Trước đó, hồi tháng 10.2018, CHKQT Nội Bài cũng đã có văn bản báo cáo về tình trạng xuống cấp này. Không riêng Nội Bài, CHKQT Tân Sơn Nhất cũng diễn ra tình trạng tương tự và cũng đã được báo cáo lên Cục Hàng không lẫn Bộ GTVT.

Tuy nhiên, đến nay, phương án giải quyết các hư hỏng này vẫn chỉ là sửa chữa tạm thời. Nguyên nhân không đến từ thiếu vốn, mà do vướng từ quy định. Theo đó, hiện đơn vị quản lý các hạ tầng hàng không này lại không có thẩm quyền tự bỏ tiền sửa các đường băng, đường lăn này, trong khi việc ứng vốn sửa chữa thì lại phải xin phép.

Trước đây, các đường lăn, đường băng các sân bay phục vụ mục đích dân sự là do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý, khai thác và sửa chữa. Khi tiến hành cổ phần hóa, các kết cấu hạ tầng hàng không như: Nhà ga, sẫn đỗ, công trình cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay, công trình sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, xăng dầu... đã tính vào giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ 1.4.2016, thời điểm chính thức cổ phần hóa, ACV được bàn giao quản lý, khai thác các tài sản là hạ tầng hàng không đã được định giá. Phần tài sản gồm chủ yếu là hạ tầng khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn...) là do nhà nước quản lý và sửa chữa.

Sự phân chia này dẫn tới kết quả, tài sản nào thuộc ACV, thì doanh nghiệp được tự đầu tư duy tu sửa chữa. Nhưng ngược lại, những tài sản như đường băng, đường lăn, thì ACV không có quyền đầu tư sửa chữa, dù thực tế vẫn đang được sử dụng, khai thác.  

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng vốn cần có để sửa chữa các hư hỏng hạ tầng khu bay tại 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất vào khoảng 4.200 tỷ đồng. Khi lập kế hoạch vốn trung hạn 2016 – 2020 của ngành GTVT, do nguồn kinh phí khó khăn nên việc cải tạo các đường băng, đường lăn này không nằm trong kế hoạch. 

Bộ GTVT cho rằng, do ACV sử dụng, khai thác các đường băng này thì phải sữa chửa, bảo dưỡng các hư hỏng xảy ra trong quá trình vận hành. Nhưng do những vướng mắc về quy định, Bộ GTVT đã có nghị với Thủ tướng để ACV quản lý tài sản hạ tầng hàng không đến năm 2025. Trong giai đoạn đó sẽ có đánh giá và chuyển các tài sản này lại cho Bộ GTVT và có cơ chế để quản lý, khai thác hiệu quả giai đoạn sau 2025 đối với các tài sản này.

Một đề xuất ngược

Trong phương án trình Thủ tướng, Bộ GTVT cũng có một kiến nghị là xem xét lộ trình mua lại một phần vốn do các cổ đông đang nắm giữ, đưa ACV trở lại là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn. Việc lấy lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ, đưa ACV trở lại thành doanh nghiệp nhà nước cũng giúp đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Được thành lập từ năm 2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung), ACV là doanh nghiệp lớn nhất trong kinh doanh cảng hàng không khi quản lý và khai thác 21/22 cảng hàng không hiện nay.

ACV được thực hiện cổ phần hóa theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 6.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ACV có vốn điều lệ 22.430 tỷ đồng, tương đương 2,243 tỷ cổ phần. Trong đó, cổ phần Nhà nước nắm giữ  là 1,68 tỷ cổ phần (tương đương 75% vốn điều lệ), cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 448,62 triệu cổ phần (20% vốn), cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 77,8 triệu cổ phần (3,47% vốn), cổ phần còn lại bán cho người lao động và tổ chức công đoàn của ACV.

Tháng 12.2015, ACV thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), với 3,47% vốn điều lệ được bán ra, trong đó có 133 nhà đầu tư cá nhân và 19  nhà đầu tư tổ chức mua thành công. Tổng giá trị cổ phần bán được là hơn 1.116 tỷ đồng.

Đề xuất tái quốc hữu hóa ACV của Bộ GTVT là một đề xuất ngược với quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên, từ góc độ an ninh quốc phòng và hoạt động hàng không, đây lại là một đề xuất hợp lý. 

Bởi khi trở lại là doanh nghiệp nhà nước, nguồn tài chính của ACV cũng được hiểu là nguồn tài chính nhà nước. Khi đó, việc sử dụng ngân sách để đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường băn, sân bay… hay thậm chí xây dựng mới như sân bay Long Thành sẽ do doanh nghiệp này thực hiện, từ đó giúp giảm áp lực tài chính lên ngân sách vốn đã eo hẹp hiện nay.

Tuy nhiên, nếu Nhà nước muốn quay lại nắm 100% cổ phần sẽ phải chi một khoản tiền không hề nhỏ. Tính tới ngày 31/12/2018, Bộ GTVT đang nắm 95,4% cổ phần của ACV, cổ đông là tổ chức nắm 3,78% ( tương ứng trên 82,2 triệu cổ phiếu) và cổ đông là cá nhân nắm 0,82% (tương ứng trên 17,8 triệu cổ phiếu)

Với mức giá giao dịch quanh mức 81.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay, Nếu nhà nước mua lại số cổ phiếu trên, sẽ tốn khoảng 8.150 tỷ đồng.

ACV từng không thuộc đối tượng cổ phần hoá

Thông tin từ Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, trong những sai phạm của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh có việc đồng ý chủ trương cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trong khi doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hóa.

Chủ trương này của ông Vũ Văn Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị và nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... 

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top