Khủng hoảng dòng Mê Kông
Theo Liên minh Cứu sông Mê Kông, hiện sông Mê Kông đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Biến đổi khí hậu và các con đập lớn trên dòng chính và các dòng nhánh đang khiến dòng chảy và mực nước trở nên khó lường hơn. Từ mức thấp kỷ lục trong tháng 6 và tháng 7 đến lũ lụt lớn ở nhiều vùng trong lưu vực vào tháng 8 và tháng 9, các đập thủy điện đã làm trầm trọng thêm tác động đến dòng sông và người dân. Các đập lớn, đặc biệt là các đập được lên kế hoạch cho dòng chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng sông Mê Kông.
Thay vì thực hiện các bước khẩn cấp để giải quyết tình trạng suy giảm nhanh chóng về sức khỏe và năng suất của hệ thống sông, ngày 31/7/2019, Chính phủ Lào chính thức thông báo cho Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về ý định xây dựng một dự án đập lớn khác trên dòng chính. Đập Luang Prabang là đập thứ 5 được trình lên để tham vấn trước theo Quy trình Thông báo trước, Tham vấn và Thỏa thuận (PNPCA). Liên minh Cứu sông Mê Kông quan ngại sâu sắc về các kế hoạch bắt đầu quy trình tham vấn trước cho đập Luang Prabang bởi những lo ngại về tác động từ các đập dòng chính hiện có và các đập được đưa ra tham vấn trước đó vẫn chưa được giải quyết.
Do đó, Liên minh cứu sông Mê Kông kêu gọi hủy bỏ đập Luang Prabang và các đập dòng chính và đề nghị các chính phủ hạ nguồn Mê Công và MRC giải quyết những mối quan ngại còn tồn tại về tác động của các đập dòng chính và thực hiện đánh giá toàn diện các lựa chọn để nghiên cứu giải pháp thay thế.
Các đập chính sẽ biến dòng sông thành một chuỗi hồ
Nếu được xây dựng, đập Luang Prabang, kết hợp với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay, sẽ biến sông Mê Kông ở toàn bộ vùng Bắc Lào thành một chuỗi hồ nước theo bậc, dẫn đến thiệt hại lớn và không thể đảo ngược đối với sức khỏe và năng suất của dòng sông. Điều này có nghĩa là nhiều lợi ích kinh tế và xã hội mà dòng sông mang lại sẽ bị mất và dòng sông sẽ trở thành kênh nước để phát điện, chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty thủy điện.
Nghiên cứu Hội đồng của MRC, từng đánh giá các kế hoạch phát triển hiện tại và tiềm năng, cho thấy rõ rằng một loạt các con đập được lên kế hoạch trên sông Mê Kông và các dòng nhánh là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh thái, sức sống kinh tế và an ninh lương thực của khu vực. Đối với các đập dòng chính, Nghiên cứu Hội đồng phát hiện rằng các tác động liên quan đến tính kết nối là rất lớn và sâu rộng, che mờ những dự án phát triển tài nguyên nước khác đã được lên kế hoạch ở Hạ nguồn sông Mê Kông.
TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) lo ngại việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kong sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này. Hiện tại, trên dòng chính sông Mê Kong ở Lào có 2 đập thủy điện đã và đang xây dựng là Xayaburi và Don Sahong. Còn thủy điện Luang Prabang có công suất 1,410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang Lào 30km. Trong dự án này Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) của Việt Nam sẽ tham gia 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%.
Nếu xây dựng thủy điện Luang Prabang, tác động đến Việt Nam là rất rõ. Trong đó, việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kong sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này. Thực tế, nguồn nước sông Mekong những năm gần đây đã có những biến động bất lợi đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đây là hậu quả của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và việc xây dựng những con đập trên dòng chính.
Do vậy, việc xây dựng thêm nhiều đập trên dòng chính sẽ càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn như: Suy giảm trầm tích khiến cho đồng bằng không được kiến tạo, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, mùa lũ về muộn, thiếu nước, người dân phải khai thác nước ngầm để sử dụng, việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đe dọa đến sinh kế, đẩy nhanh quá trình di cư…
Hiện VRN cũng đã đề nghị PV Power và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án Thủy điện Luang Prabang tại Lào.