Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, TPHCM và khu vực Nam Bộ đang có những ngày nắng nóng cao điểm. Điều này dẫn đến bức xạ tia UV (tia cực tím) đang ở mức rất cao, có nguy cơ làm bỏng da và gây ung thư da.
Nhiệt độ không liên quan đến tia UV
Trong 2 ngày vừa qua, khu vực TPHCM và các tỉnh Nam Bộ xảy ra hiện tượng nắng nóng và oi bức, người dân có cảm giác như đang bước vào cao điểm của mùa hè. Thạc sĩ Lê Đình Quyết - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong 17/2 và 2 ngày tếp theo, thời tiết tại TPHCM và khu vực Nam Bộ tiếp tục có cường độ nắng cao. Tại đây xảy ra nắng nóng với mức nhiệt cao nhất ban ngày có thể lên 35 độ C. Điều đáng chú ý là đi cùng với nắng nóng thì bức xạ UV cũng tăng cao dao động mức 9 và 10. Mức bức xạ sau đó giảm nhẹ trong những ngày tiếp theo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quy định chỉ số UV cao nhất là 11+ (quá cao), thời gian gây bỏng là 10 phút. Chỉ số UV mức 8 – 10 (rất cao), thời gian gây bỏng là 25 phút. Như vậy, với chỉ số UV hiện tại của khu vực TPHCM và các tỉnh Nam Bộ đang rơi vào cấp độ rất cao.
Nhiệt độ 35 độ C không phải là quá cao, nhưng vì sao lại có mức tia UV cao như vậy? Lý giải điều này, PGS.TS Phạm Văn Nho, Phòng thí nghiệm Vật lý, DDHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, tia UV trong ánh nắng Mặt trời nhiều hay ít là do thời tiết có nhiều mây mỳ không, vị trí của tia Mặt trời với Trái đất gần hay xa, thời điểm chiếu sáng vào lúc nào. Theo đó, càng gần Mặt trời thì tia UV càng nhiều, do đó những nước ở gần xích đạo phải hứng chịu tia UV cao nhất. Ngoài ra, trời ít mây mù, nắng gắt thì tia UV cũng nhiều hơn khi trời có mây mù. Thời điểm tia UV có trong ánh nắng cao nhất từ 10h đến 15h.
“Trời nóng không có nghĩa nhiều tia UV mà do thời tiết, mây có nhiều để che chắn bớt ánh sáng Mặt trời không. Đó là lý do mà ngay cả những ngày trời không nắng, không nóng thì vẫn có tia UV, ra đường không che chắn, da vẫn bị đen sạm. Do vậy, nhiệt độ 35 độ C hay thấp hơn mà trời nắng, quang mây thì tia UV vẫn nhiều”, PGS.TS Phạm Văn Nho giải thích.
Cơ chế gây hại của tia UV
Khuyến cáo đưa ra là trong khoảng thời gian từ 11h trưa đến 15h chiều, người dân Nam Bộ ra đường cần trang bị các biện pháp chống nắng để tránh nguy cơ bỏng da, ung thư da và tổn thương vùng mắt do tia UV gây ra.
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, bức xạ cực tím (Ultraviolet radiation) là thành phần trong ánh sáng mặt trời. Trong đó quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn. Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt. Vì thế nên dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím (chỉ số ANSI trên bao bì). Mặc áo khoác, đeo khẩu trang, thoa kem chống nắng.
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, chống nắng nghĩa là chống lại những tác hại của tia tử ngoại. Trong đó có tia UVA làm cho da sạm, thay đổi cấu trúc da, tia UV sinh ra bệnh ung thư da, tia UVC bị ngăn ở tầng ozon nay tầng ozon bị thủng nên cũng tác động đến da người. Chống nắng nghĩa là chống lại sạm da, lão hóa da và ung thư da. Muốn chống nắng phải sử dụng biện pháp tổng thể, kết hợp kem chống nắng với việc đội mũ nón rộng vành, hạn chế ra nắng vào những thời điểm nắng gắt…
Tia tử ngoại là nguyên nhân làm gia tăng mật độ sắc tố melanin gây thâm da. Kem chống nắng ngăn tia tử ngoại tức là loại trừ nguyên nhân làm thâm da đồng thời loại bỏ luôn tác nhân gây lão hóa ung thư. Tuy vậy, người dân không nên quá lo lắng, chỉ cần thực hiện các biện pháp bảo vệ đơn giản, bạn hoàn toàn an tâm khi ra đường.
“Cách đơn giản để bảo vệ da là sử dụng kem chống nắng. Nên chọn loại kem chống nắng an toàn, có thương hiệu để ngăn tia UV phá hỏng da”, PGS.TS Phạm Văn Nho.