Ngày 9/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc giang cho biết, vừa kịp thời cứu sống một bệnh nhân ngộ độc mathanol nguy kịch nhờ áp dụng phác đồ điều trị chuẩn và kỹ thuật lọc máu hiện đại, giúp người bệnh thoát khỏi nguy cơ tử vong chỉ sau 24 giờ điều trị.
Uống rượu không rõ nguồn gốc, bệnh nhân rơi vào nguy kịch
Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Văn H. (59 tuổi, TP Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tiếp xúc chậm, khó thở, thở nhanh, nhìn mờ, tụt huyết áp.
Theo thông tin từ người nhà, trước đó bệnh nhân ở nhà và có uống loại rượu không rõ nguồn gốc. Khoảng vài giờ sau, ông H. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường như tức ngực, run tay chân, khó thở và được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang, sau đó chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu.
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành thăm khám, chỉ định dùng thuốc vận mạch, bù dịch và thực hiện xét nghiệm khí máu. Kết quả cho thấy tình trạng toan chuyển hoá nghiêm trọng, đe doạ tính mạng: pH: 6,5; HCO₃: 1,8 mmol/L; Lactat: 21,5 mmol/L; Kali: 6,2 mmol/L. Khai thác tiền sử bệnh cho thấy bệnh nhân có tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và nghiện rượu lâu năm – những yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng ngộ độc.
Ngay lập tức, kíp trực tiến hành hội chẩn liên khoa với Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Qua thăm khám lâm sàng và đánh giá các chỉ số cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc rượu methanol – toan chuyển hóa nặng, suy thận cấp trên nền bệnh lý mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, nghiện rượu). Bệnh nhân được chuyển ngay lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế.
![]() |
Bệnh nhân đã ổn định sau 5 ngày điều trị tích cực - Ảnh BVCC |
Tại đây, bệnh nhân được sử dụng thuốc vận mạch, bù dịch tích cực, điều trị nội khoa kết hợp với kỹ thuật lọc máu liên tục (CRRT) nhằm loại bỏ methanol và các chất chuyển hoá độc hại ra khỏi cơ thể.
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa và năng lực chuyên môn vững vàng của đội ngũ bác sĩ, chỉ sau 24 giờ lọc máu, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tự thở, không còn nhìn mờ, các chỉ số toan kiềm và sinh hoá trở về gần mức bình thường.
Đến nay, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định hoàn toàn, sinh hiệu bình thường và dự kiến sẽ được xuất viện trong 1-2 ngày tới.
BS.CKI Thái Văn Tiệp, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết: "Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận không ít ca ngộ độc methanol với mức độ từ nhẹ đến rất nặng. Nhiều trường hợp nhập viện muộn đã không qua khỏi do toan chuyển hoá quá nặng, tổn thương não, tổn thương đa cơ quan không hồi phục.
Trường hợp bệnh nhân H. là một ca điển hình cho thấy vai trò then chốt của việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là sử dụng kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức chống độc".
Nhiều con đường Methanol xâm nhập vào cơ thể
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, methanol được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa và qua da hoặc qua đường hô hấp.
Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau (hay gặp với người nghiện rượu, thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc, người lao động trong môi trường tiếp xúc không an toàn với methanol).
Hoặc người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp sử dụng sản phẩm giả có chứa methanol). Sau đây là các hoàn cảnh có thể xảy ra ngộ độc/nhiễm độc:
Sử dụng, tiếp xúc các sản phẩm rượu giả, cồn sát trùng giả, các sản phẩm ethanol khác bị làm giả trong lao động sản xuất hoặc đời sống hàng ngày hoặc các sản phẩm khác bị làm giả và chứa methanol.
Lạm dụng, sử dụng sai các sản phẩm chứa methanol. Các hoạt động lao động sản xuất, đời sống có sử dụng methanol không an toàn.
Biểu hiện nhiễm độc của methanol: Ngộ độc cấp tính: mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong. Di chứng gồm mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động,…
Ngộ độc mạn tính: đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù. Trên thai nhi: các nghiên cứu trên động vật cho thấy methanol có thể gây dị tật trên xương, tim mạch, tiết niệu và thần kinh trung ương.
Các biểu hiện ngộ độc methanol thường là muộn nên người dân cần chủ động đi khám khi có nghi ngờ. Người lao động tiếp xúc với methanol cần được khám sức khỏe thường xuyên, trong đó bắt buộc khám đánh giá kỹ về mắt và thần kinh trung ương.
Người dân tuyệt đối không nên sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được thành phần, đặc biệt là rượu pha chế thủ công hoặc tự nấu.
Methanol là chất cực độc, chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể gây tổn thương não, mù vĩnh viễn, suy đa tạng, thậm chí tử vong.
Nếu có biểu hiện bất thường sau khi uống rượu như nhìn mờ, đau đầu, buồn nôn, khó thở, người bệnh cần đến cơ sở y tế có đủ năng lực xử trí ngộ độc càng sớm càng tốt để tránh hậu quả nghiêm trọng", BS Tiệp khuyến cáo.