Loại bỏ mùi cơ thể cho người già vào mùa đông là điều cần thiết.
Mùi do mất cảm giác an toàn
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105 cho biết, vào mùa đông, người già thường “lười” ở một số việc như tắm gội, vệ sinh cá nhân, thay giặt quần áo, mà thường cứ mặc đi mặc lại trên người một bộ quần áo… Tất cả những cái lười này hoàn toàn xuất phát từ việc người già sợ lạnh và có cảm giác thiếu an toàn.
Khi cơ thể run rẩy, người già ngại phải cởi bộ quần áo ấm áp đang mặc trên người, ngại phải sờ đến nước, sợ cảm giác nước chảy trên người; thậm chí do run rẩy, người già còn lo sợ bị ngã, bị cảm khi bước chân vào phòng tắm và sờ vào nước… Chính việc lười tắm, vệ sinh thân thể qua loa, mặc đi mặc lại một bộ quần áo là nguyên nhân khiến cơ thể người già “bốc mùi”.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến người già thường có mùi hôi cơ thể xuất phát từ việc người già thích bôi các loại cao dán, dầu gió vào mùa đông. Người già dùng cao dán để làm dịu những chỗ đau xương khớp, đau cơ do lạnh; hoặc xức dầu gió sẽ giúp át mùi cơ thể. Chính những loại dầu gió, cao dán này góp phần tạo ra mùi đặc trưng cơ thể của người già vào mùa đông.
Một nguyên nhân tạo mùi nữa mà ít người nghĩ đến đấy là do người già sống suốt ngày trong môi trường kín bí, tù túng. Vào mùa này, do sợ lạnh, người già thường đóng kín cửa, thậm chí còn kéo rèm che gió. Người già cảm thấy không an toàn khi mở cửa, lúc nào cũng lo sợ việc mở cửa, dù là mở he hé cũng làm cho gió lùa, mang theo hơi lạnh vào nhà.
Môi trường kín bí trong nhiều ngày sẽ khiến cho nơi sinh hoạt của người già bốc mùi ẩm mốc, hôi hám. Mùi cơ thể cộng với mùi của nhà cửa sẽ làm tăng thêm hội chứng mùi người già vào mùa đông.
Theo các chuyên gia, dù vào mùa đông, cần tránh việc đóng cửa im ỉm, khiến cho phòng ở của người già đặc quánh không khí ô nhiễm. Tốt nhất nên thi thoảng mở hé cửa để không khí tươi tràn vào nhà, đặc biệt là trong những ngày khô ráo, hửng nắng, bởi ánh nắng mặt trời có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc rất hiệu quả. Ngoài ra, người già cần tránh lạm dụng các loại dầu gió, cao dán…
Tạo cảm giác an toàn
Bà Laurie L. Dove, Tạp chí chăm sóc người cao tuổi Agingcare (Mỹ) khuyên, để loại bỏ mùi cơ thể người già vào mùa đông cần khuyến khích người già tắm hoặc vệ sinh thân thể một cách đầy đủ dù trời có đang lạnh giá. Quan niệm mùa đông không làm gì ra mồ hôi, cũng ít ra ngoài đường để bị bụi bám vào người nên không bẩn là rất sai lầm.
Cần nhớ rằng, ngay cả mùa đông thì cơ thể vẫn tiết mồ hôi và da vẫn tiết ra các chất bẩn. Nếu không tắm, mồ hôi ẩm và các loại chất bẩn lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh sinh sôi, đặc biệt là tụ cầu khuẩn và nấm da, gây nguy hiểm đến sức khỏe người già.
Vì vậy, dù lạnh cũng không thể lười tắm. Việc tắm không chỉ giúp loại bỏ các chất bẩn bám trên cơ thể mà đồng thời còn giúp các các mạnh máu lưu thông. Vào mùa đông, dù ngại người già cũng nên duy trì tắm 2 – 3 ngày/lần, vào những đợt rét đậm cũng không thể để lâu quá 1 tuần.
Những ngày không tắm, người già cũng cần thay quần áo mới và vệ sinh thân thể, chú ý những vùng dễ bị vi khuẩn bám lại như cánh tay, nách, ngực, vùng kín… Việc thiếu vệ sinh không chỉ khiến người già nặng mùi cơ thể, làm cơ thể ngứa ngáy khó chịu, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng viêm da, nấm ngứa.
Th.S Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho biết, loại bỏ mùi cơ thể người già vào mùa đông, quan trọng là phải tạo cảm giác an toàn cho người già trong việc vệ sinh thân thể. Cần bố trí phòng tắm ấm áp, an toàn để tạo cảm giác yên tâm cho người già khi tắm hoặc vệ sinh.
Phòng tắm nên trang bị ghế ngồi tắm, thanh vịn bên cạnh vòi sen hoặc bồn tắm để người già có thể bám, vịn vào khi đứng mặc quần áo. Ngoài ra, phòng tắm cần có bình nước nóng, đèn sưởi ấm vào mùa đông để tránh nguy cơ người già bị lạnh.
Đức Anh