Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn kiên định mục tiêu chỉnh đốn và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là mũi nhọn hàng đầu.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, chống tham nhũng, tích cực "đốt lò" trước hết là vì dân, vì nước…
Ngọn cờ chống tham nhũng do Đảng phát động và "Người cầm lái" vững vàng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất cho cuộc chiến sinh tử để bảo vệ chế độ, giữ vững niềm tin trong Nhân dân.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thời gian qua, được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ và thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Chúng ta có những hình thức xử lý mới để vừa thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, vừa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa.
Những người thoái hóa, biến chất, bất kể là Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, trình độ học vấn, ngành nghề công tác nào hay sai phạm xảy ra từ lâu, cứ đi ngược lời thề trước Đảng, ngược với lợi ích của Nhân dân, dân tộc, lo vun vén cho bản thân và nhóm lợi ích, vi phạm quy định của pháp luật…, đều bị xử lý theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
"Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên…". Câu nói đó của Đồng chí Tổng Bí thư về công cuộc chống tham nhũng đã trở nên phổ biến, được nhiều người biết đến.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng đã có kết quả tích cực. Thực tế đó không thể tách rời tài năng, bản lĩnh, phẩm cách, đạo đức của "Người đốt lò".
Không liêm chính, không trong sạch thì "trên bảo dưới không nghe". Không lấy bản thân mình, gia đình mình làm tấm gương thì sao "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".
Chính sự gương mẫu, quyết liệt, "nói đi đôi với làm", "làm đi đôi với nói" của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc, sự bảo đảm về mặt chính trị, tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực thành công, được người dân tin cậy và ủng hộ.
Với tinh thần của Đồng chí Tổng Bí thư, Đảng ta luôn thực hiện đồng bộ "xây" và "chống". "Xây" là rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp vừa "hồng" vừa "chuyên", đủ năng lực ngang tầm nhiệm vụ; là xây dựng, củng cố tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
"Xây" cũng đòi hỏi phải tổ chức tốt những phong trào thi đua yêu nước, động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh do Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ, hiện tượng tham nhũng không chỉ kéo lùi lịch sử, gây bất công, bất bình đẳng trong xã hội, mà còn là cái cớ để các thế lực thù địch ngày đêm chống phá, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền.
Trong lúc này, Đảng ta nếu không đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, sẽ không thể hoàn thành sự nghiệp cách mạng, dẫn đến bất công, bất bình đẳng trong xã hội.
Vì thế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trở thành nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi không chỉ phát hiện đối tượng tham nhũng để xử lý bằng chế tài của pháp luật, mà còn mang tính giáo dục, răn đe, tìm ra sơ hở trong công tác quản lý để từng bước hoàn thiện chính sách, thể chế, pháp luật, nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Từ đó, xã hội công bằng, bình đẳng, văn minh và tiến bộ hơn.
Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Có thể thấy rằng, toàn Đảng, toàn dân đang đồng lòng đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Đây là đòi hỏi tất yếu của lịch sử trong tiến trình phát triển xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời ở thời điểm hiện nay là đau thương, mất mát rất lớn với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và gia đình Tổng Bí thư.
Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta không vì thế mà chùn bước, dừng lại. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tiếp tục công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng, di nguyện mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại.
Trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, phòng chống tham nhũng trở thành xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Ai không đồng hành cùng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đứng sang một bên. Công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng sẽ kiên trì, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng nghỉ, không dừng lại. Đây là chủ trương và quyết sách đúng đắn.
Mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn, những chủ trương, di nguyện này sẽ tiếp tục được duy trì, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện.
Quan điểm của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng cũng chính là quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.