Giải trình về nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận sau thuế của quý 1/2020, SBR cho biết năm 2019, giá dầu thô (Dated Brent) tăng từ 57,39 USD/thùng bình quân tháng 12/2018 lên 67,02 USD/thùng bình quân tháng 12/2019, tạo nhiều thuận lợi cho tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty. Ngoài ra, hàng tồn kho vào thời điểm đó còn nhiều và có giá thấp hơn thị trường. Khoảng cách chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm chính được nới rộng, nên kết quả sản xuất kinh doanh của công ty phục hồi tốt. Quý 4/2019, BSR báo lãi 1.622 tỷ đồng, lũy kế cả 4 quý ghi nhận lãi 2.873 tỷ đồng trên Báo cáo tài chính hợp nhất.
Sang quý 1/2020, giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh, từ 67,02USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống 31.83USD/thùng (bình quân tháng 3/2020), giảm 47%. Nguyên nhân là do cuộc chiến giá dầu giữa Nga và OPEC, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty trong 3 tháng đầu năm là âm 3.101 tỷ đồng, do hàng tồn trong kho tăng, không tiêu thụ được, và các khoản phải trả cũng tăng lên 5.721 tỷ đồng. Mặc dù, doanh nghiệp bù đắp bằng dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính, nhưng tổng lượng tiền thuần trong kỳ vẫn âm 1.059 tỷ đồng. Có nghĩa là dòng tiền của SBR đang bị thất thoát, “chảy ra ngoài” mà không thu được tiền mặt về.
Lượng hàng tồn kho của SBR tính đến hết tháng 3/2020 là 9.713 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản của công ty, chủ yếu là mặt hàng thành phẩm với giá trị 3.777 tỷ đồng. Số lượng tồn kho lớn này có giá cao hơn giá thị trường hiện tại rất nhiều. Chưa kể đến tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu giảm mạnh.
Một lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, công ty đang xem xét phương án, nếu nguồn cung tiếp tục dư thừa, công ty sẽ dừng vận hành nhà máy một thời gian cho tới khi thị trường hồi phục. Nhưng trước mắt, giá dầu thô vẫn tiếp tục xuống đáy, thậm chí lao dốc kỉ lục là âm 37,63USD/thùng trong ngày 20/4/2020. Thời gian hồi phục có lẽ sẽ lâu hơn, phải qua quý 2/2020.