Lễ thượng cờ rủ ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng 25/7, các chiến sĩ tiêu binh thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi lễ treo băng tang lên lá Quốc kỳ tại Quảng trường Ba Đình, bắt đầu Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sáng nay 25/7, các chiến sĩ tiêu binh Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi lễ treo băng tang lên lá Quốc kỳ tại quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Nghi lễ treo băng tang được tiến hành song song với nghi thức chào cờ thường ngày.

Theo thông tin từ Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau nghi lễ hạ cờ tối, 24/7, các chiến sĩ tiêu binh đã luyện tập thành thục các thao tác và quy trình treo băng tang đúng với quy định.

Trên cờ rủ có buộc dải băng đen, chiều rộng bằng 1/10 lá cờ, chiều dài tối thiểu bằng một nửa lá cờ. Lá cờ rủ được treo lên đến điểm 2/3 cột cờ thay vì treo cao như ngày thường.

Sau khi lá Quốc kỳ đeo băng tang được đưa lên, khác với ngày thường, trong ngày 25/7, sẽ không có nghi lễ hạ cờ vào buổi tối. Lá Quốc kỳ có dải băng tang sẽ được treo trong suốt 2 ngày, 25 và 26/7 để tưởng nhớ Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Rất đông người dân đã có mặt ở Quảng trường Ba Đình từ sớm để chứng kiến Lễ treo cờ rủ. Khi lá cờ được kéo lên, nhiều người đã không kìm được nước mắt.

Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra trong hai ngày 25/7 và 26/7. Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (thành phố Hà Nội).

Lễ viếng Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (thành phố Hà Nội), bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Lễ truy điệu Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng, Lễ truy điệu Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).

Theo Đời sống
“Thổi hồn” vào mặt nạ giấy bồi Trung Thu

“Thổi hồn” vào mặt nạ giấy bồi Trung Thu

Khoảng cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ 20, người dân làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) bắt đầu sản xuất các món đồ chơi Trung thu. Trong đó, mặt nạ giấy bồi, đầu lân... nổi tiếng nhất.
Nhà vườn 800m2 của diễn viên Trí Quang

Nhà vườn 800m2 của diễn viên Trí Quang

Trong nhà vườn rộng 800m2, Trí Quang trồng nhiều cây ăn trái và rau xanh như vú sữa, xoài, chôm chôm,... Ngoài ra, còn có các loại rau xanh như mồng tơi, rau cải, rau muống, xà lách xoăn...
back to top