Lễ hội áo dài du lịch 2022 kích cầu du lịch Thủ đô

Từ ngày 2-4/12, Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 sẽ diễn ra tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo. Đáng chú ý sẽ có gần 1.000 người diễu hành, biểu diễn áo dài.
Điểm nhấn của lễ hội là sự kiện diễu hành và đồng diễn áo dài của hơn 1.000 người tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào ngày 3 và 4-12.

Điểm nhấn của lễ hội là sự kiện diễu hành và đồng diễn áo dài của hơn 1.000 người tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào ngày 3 và 4-12.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Ngày 28/10/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 278/KH-UBND về tổ chức Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022, nhằm kích cầu du lịch của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội còn nhằm xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo, hiệu quả của Hà Nội trên cơ sở khai thác, tôn vinh áo dài truyền thống của dân tộc, đồng thời tạo cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch với các nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang áo dài.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 2016 tại Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 trở lại với nhiều điểm khác biệt cả về quy mô và phạm vi tổ chức, với chuỗi sự kiện độc đáo và hấp dẫn. “Chúng tôi mong muốn đưa áo dài trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Thủ đô, đồng thời khẳng định thêm giá trị “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” do Tổ chức du lịch thế giới trao cho Hà Nội vào tháng 11 vừa qua”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ.

Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 khai mạc vào 20h tối nay (2-12) tại sân khấu trước tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” với chương trình nghệ thuật và trình diễn áo dài ba miền Bắc - Trung - Nam của các nhà thiết kế nổi tiếng: Nghệ nhân áo dài Lan Hương, các nhà thiết kế Xuân Thu, Viết Bảo, Năm Tuyền, Quang Hòa, Hà Duy, Chula Fashion House, Cao Minh Tiến và nhiều thương hiệu áo dài như Hương Queen, OZ Design House, áo dài thêu tay Tulip, Kiên Anh…

Tổng đạo diễn Lê Quý Dương.

Tổng đạo diễn Lê Quý Dương.

Theo Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, tại lễ hội này, ngoài các hoạt động biểu diễn, trưng bày, giới thiệu lịch sử áo dài ba miền với 50 gian hàng của các nhà thiết kế, đơn vị kinh doanh du lịch, người dân còn được hòa mình vào không khí lễ hội trẻ trung. Điểm nhấn của sự kiện là hoạt động diễu hành và đồng diễn áo dài của hơn 1.000 người vào ngày 3 và 4-12 do Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội thực hiện.

“Chúng tôi khuyến khích người dân và du khách mặc áo dài khi đến với lễ hội để cùng hòa vào không gian truyền thống của Hà Nội, góp phần lan tỏa sức hấp dẫn của lễ hội”, Tổng đạo diễn Lê Quý Dương bày tỏ.

Tăng cường thương hiệu du lịch Thủ đô

Thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 đã hoàn tất. Theo Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, Ban Tổ chức đã thiết kế nhiều không gian nghệ thuật để du khách trải nghiệm, chụp ảnh, vui chơi, mua sắm. Tại đây, người dân và du khách có thể tìm kiếm nhiều sản phẩm quà tặng liên quan đến áo dài Việt Nam do nghệ nhân các làng nghề Hà Nội thực hiện.

Các bộ sưu tập áo dài của một số nhà thiết kế được giới thiệu trong chương trình.

Các bộ sưu tập áo dài của một số nhà thiết kế được giới thiệu trong chương trình.

Đến với lễ hội lần này, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) có một gian hàng diện tích 18m2, được trang trí theo phong cách trẻ trung. Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, đơn vị kết hợp với thương hiệu áo dài OZ Design House để thiết kế không gian áo dài hiện đại với tiểu cảnh hoa đặc trưng theo mùa của Hà Nội. Bên cạnh đó, Hanoitourist sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch độc đáo trong dịp Tết Dương lịch, âm lịch và một số tour du lịch đặc sắc vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2023.

Trong khi đó, nhà thiết kế áo dài Xuân Thu chia sẻ, gian hàng trưng bày áo dài của chị sẽ mang phong cách của người Hà Nội xưa. Chị sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài “Phố” trong gian trưng bày, còn cô con gái 15 tuổi của chị, nhà thiết kế Nguyên Khanh, sẽ giới thiệu bộ sưu tập “Begin” trong chương trình khai mạc.

Đảm nhận phần trưng bày các sản phẩm quà tặng, phụ kiện thời trang liên quan đến áo dài, Chi hội trưởng Chi hội làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Nguyễn Văn Sử thông tin, chi hội sẽ giới thiệu gần 50 sản phẩm thời trang làm bằng sừng, như: Lược, trang sức… “Chúng tôi muốn góp sức để cùng xây dựng thương hiệu Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội, đồng thời quảng bá tinh hoa làng nghề Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Sử chia sẻ.

Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 diễn ra vào đúng mùa cao điểm đón khách của Hà Nội, được xem là “cơ hội vàng” để thu hút khách quốc tế đến Hà Nội nhiều hơn, cũng là dịp tốt để quảng bá hình ảnh thành phố. Vì vậy, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang mong muốn, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà thiết kế cần nêu cao năng lực sáng tạo cũng như phát huy tinh thần vì tình yêu Hà Nội để cùng làm nên thương hiệu du lịch khác biệt, hấp dẫn của Thủ đô.

Theo ban tổ chức, Lễ hội dự kiến thu hút từ 12.000 đến 15.000 người mỗi ngày. Điều quan trọng, lễ hội sẽ là viên gạch đầu tiên để tạo dựng nên thương hiệu cho sản phẩm văn hóa, du lịch của Hà Nội.

Theo Đời sống
back to top