Lạm thu, phí chồng phí bởi cố tình làm sai luật

PGS.TS Lê Xuân Trường, Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính cho rằng, câu chuyện một quả trứng “cõng” 14 loại phí, tình trạng lạm thu, phí chồng phí là tình trạng nhức nhối ở một số địa phương. Thực trạng này xảy ra bởi cơ quan giám sát chưa làm hết trách nhiệm, người dân thì kém hiểu biết về lĩnh vực này.

Nhà nước thu, doanh nghiệp cũng thu

Ông đánh giá thế nào về thực trạng thu phí, lệ phí hiện nay?

Tình trạng lạm thu phí và lệ phí diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Gần đây câu chuyện này cũng được các phương tiện truyền thông đăng tải như một con gà cõng biết bao nhiêu phí, các doanh nghiệp kêu ca phí nhiều quá làm cho chi phí sản xuất kinh doanh cao. Các địa phương thì bảo phải thu phí thì mới đủ chi. Đó là câu chuyện của nhiều bên với từng góc nhìn khác nhau.

Theo đánh giá của ông thì các khoản phí, lệ phí hiện nay đã hợp lý chưa?

Đóng phí, lệ phí, về bản chất, khi người dân được cung cấp dịch vụ thì phải trả cho nhà nước một khoản tiền, chứ không thể “ăn không”.

Cả khu vực nhà nước và tư nhân, khi cung cấp một dịch vụ nào đó đều cần phải thu phí. Nhưng bản chất lệ phí dịch vụ hành chính công là thu phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Còn phí là các dịch vụ công khác như học phí, viện phí, phí bảo trì đường bộ.

Nhiều người đặt câu hỏi, dân nộp thuế để bộ máy hoạt động, vậy trách nhiệm của nhà nước là phải quản lý và cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, sao còn thu phí, lệ phí? Tuy nhiên nếu gánh nặng đẩy vào thuế thì không ổn.

Vậy là việc đóng các khoản phí, lệ phí được hiểu là “trả tiền để sử dụng dịch vụ”?

Với dịch vụ cá nhân, nếu không trả tiền thì không thể sử dụng được. Còn hàng hóa dịch vụ công là loại hàng hóa cung cấp cho cả cộng đồng, có thể người nào đó không đóng phí nhưng vẫn được sử dụng, ví dụ như an ninh quốc phòng, không khí trong lành…

Nếu chỉ dùng nguồn thu từ thuế để nuôi bộ máy nhà nước thì dẫn đến là phải tăng thuế. Thế thì gánh nặng vẫn dồn lên vai người dân mà lại không công bằng vì có những người không hưởng dịch vụ ấy mà vẫn phải trả tiền.

Để đảm bảo công bằng thì bên cạnh thuế phải có phí, theo nguyên tắc ai hưởng người đó phải trả tiền.

Không mất tiền, cứ “dùng đại đi”

Ông nghĩ sao nêu chúng ta kiến nghị bỏ thu phí, lệ phí, bởi những câu chuyện bất cập đến nhức nhối về lạm thu phí, lệ phí thời gian qua khiến dư luận rất bức xúc?

Thế thì sẽ dẫn đến tình trạng người ta cứ “dùng đại đi”. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm phục vụ tôi, tôi đến thì anh phải có trách nhiệm phục vụ tôi.

Ví dụ, đi công chứng, tôi chỉ cần 7 bản đủ dùng rồi, nhưng nếu miễn phí thì “em làm luôn cả trăm cái, bác có trách nhiệm phục vụ em”. Tuy nhiên, không phải loại dịch vụ phí hay lệ phí nào người ta cũng muốn dùng nhiều, dù có miễn phí.

Ví dụ như chắc không ai muốn dùng nhiều giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, vì nếu dùng nhiều thì trước đó chúng ta cũng phải “khốn nạn” rất nhiều rồi (cười). Nếu chưa hợp lý thì phải sửa cho nó hợp lý chứ không phải là dừng thu.

Thu như thế nào thì hợp lý?

Một số khoản thuộc về tư nhân làm hiệu quả hơn thì phải chuyển sang cho tư nhân làm, nhà nước không ‘ôm” nữa. Tôi nói ví dụ như lĩnh vực giao thông, cầu đường là nhu cầu thiết yếu, nhà nước đầu tư là đúng, nhưng cũng nên để tư nhân đầu tư để họ có thể tham gia vào phát triển. Rồi y tế, giáo dục cũng vậy, nó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Tôi được biết điểm mới của Dự thảo luật phí, lệ phí cũng đưa ra cơ chế chuyển một số khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ?

Đúng thế, ngân sách nhà nước đã quá tải rồi, 6 tháng đầu năm nay chúng ta thâm hụt ngân sách hơn 100 nghìn tỉ đồng, chi lớn hơn thu, các năm trước đều vậy, nợ công đã báo động.

Nhà nước không thể “ôm” hết tất cả, nên phải để cho khu vực tư nhân đầu tư cho hiệu quả hơn. Chúng tôi thống kê trong danh mục mới là có thể bớt đi được 22 khoản phí và 3 khoản lệ phí so với danh mục cũ.

Điều này tác động như thế nào đến xã hội, tốt hay xấu?

Có cả mặt được và không, chúng ta phải đánh đổi. Cái được là người ta phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phải phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn nhưng nó đặt ra các vấn đề an sinh xã hội.

Ví dụ như y tế, nếu chuyển sang giá dịch vụ thì sẽ tác động đến phần lớn những người có thu nhập thấp, người nghèo. Giáo dục, giao thông cũng thế.

Trong khi bản chất của phí là người dân được lựa chọn, sử dụng hay không sử dụng dịch vụ đó. Nhưng nếu không cẩn thận, chỗ nào cũng thu phí, người dân buộc phải trả tiền vì không còn lựa chọn nào khác.

Khó để chọn được “người vợ đẹp nhất”

Tình trạng có những địa phương tự nghĩ ra các khoản thu rất khó hiểu đang là nỗi nhức nhối, giải quyết vấn đề này thế nào thưa ông?

Theo pháp lệnh hiện nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định danh mục, Chính phủ cụ thể hóa chi tiết danh mục đó, từng khoản cụ thể.

Sau đó, hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định các khoản thu phí, lệ phí tùy điều kiện kinh tế xã hội của mình để cụ thể hóa, chọn mức thu phù hợp, vừa sức với dân nhưng vẫn phải đảm bảo bộ máy hoạt động.

Để hạn chế lạm thu thì nên giới hạn thẩm quyền các địa phương quy định cụ thể trong danh mục, tránh lạm thu, tránh tùy tiện, đảm bảo sự phù hợp trong phân cấp nhiệm vụ quản lý với phân cấp ngân sách.

Nhưng rõ ràng, địa phương có quyền tự quyết cũng có cái lợi?

Nó có hai mặt. Nếu chúng ta không giao cho địa phương được quyết định thu thêm các khoản phí, lệ phí theo thẩm quyền của địa phương thì có thể sẽ dẫn đến thực tế phát sinh, có dịch vụ này cung cấp cho người dân, nhưng trong danh mục không có nên người ta không cung cấp, phải chờ đệ trình Quốc hội.

Vậy thì đương nhiên chúng ta phải chấp nhận sự đánh đổi, giống như trong cuộc sống này vậy. Không lựa chọn nào là được cả hay mất cả. Ngay cả trong câu chuyện chọn vợ chọn chồng cũng vậy, ta không thể chọn được người tốt nhất, đẹp nhất mà chỉ có thể lựa chọn được người ít xấu nhất trong phạm vi khả năng của mình thôi.

Tôi cũng thích mê cô hoa hậu đẹp rạng ngời dịu dàng nết na, nhưng tôi lại chỉ có thể chọn được người vợ ít xấu nhất phù hợp với mình.

Vậy thì nên chăng cần quy định chi tiết danh mục các khoản thu?

Đúng thế, khi sửa đổi quy định, nếu danh mục càng cụ thể thì càng đảm bảo tính công khai minh bạch. Còn nếu không cứ một thời gian sau lại thấy “lòi ra” một khoản mới

Người dân chưa biết quyền của mình

Ông đánh giá thế nào về vai trò giám sát của người dân, chủ thể phải thực hiện phí, lệ phí?

Theo pháp lệnh, phí và lệ phí phải được hội đồng nhân dân thông qua, chứ không một cơ quan nào đó tự ban hành ra. Nhưng trên thực tế khi nộp phí và lệ phí, không mấy người hỏi phí, lệ phí này được quy định ở đâu, không ai hỏi cả.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu. Còn nếu người dân biết đòi hỏi chính đáng quyền và nghĩa vụ của mình thì người ta có muốn lạm thu cũng khó khăn.

Vậy xảy ra tình trạng lạm thu là bởi do chính người dân?

Một phần là thế, hiểu biết của người dân chính là rào cản, bởi người dân không biết thu như thế có đúng không, quyền lợi của mình thế nào để đòi hỏi.

Ở nhiều quốc gia người ta thực hiện cả chiến lược quốc gia phổ cập giáo dục tài chính cho người dân.

Còn ở ta, thậm chí có những người còn không biết chữ thì kiểm soát thế nào được việc thu đúng hay thu sai. Cứ nói các quy định đăng tải công khai trên trang nọ trang kia, nhưng người ta có biết chữ đâu mà đọc.

Phải chăng chúng ta cũng cần có các chiến lược như thế?

Đúng vậy, khi nào tình trạng thu tù mù như thế mà người dân vẫn ừ đồng ý thì khó.

Xin cảm ơn ông!

Học phí và viện phí, chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, không nằm trong danh mục phí và lệ phí của nhà nước nữa thì cơ chế giá dịch vụ là do các tổ chức cá nhân trong xã hội đứng ra thu, Thực hiện cơ chế giá dịch vụ ở lĩnh vực này là không ổn. Học phí bậc đại học, cao đẳng thì có thể được, nhưng chuyển học phí phổ thông sang cơ chế dịch vụ thì liệu người nghèo có cơ hội học tập hay không, đó là vấn đề phải cân nhắc.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top