Dấu hiệu thi “chui”
Theo ghi nhận, tại khu vực thi, không có dấu hiệu nào cho thấy đây là nơi tổ chức kỳ thi Đại học, không biển báo, không có rào ngăn, không có lực lượng An ninh bảo vệ giống như các kỳ thi thông thường khác...
Hội đồng thi gồm 2 phòng thi, mỗi phòng khoảng 25 học viên, nhưng lại được bố trí 2 tầng khác nhau. Tại phòng 404, tầng 4 tòa nhà A, Trung tâm GDTX và Dạy nghề quận Cầu Giấy, danh sách có khoảng 25 học viên dự thi khối ngành kinh tế cho thí sinh đã tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp ngành kinh tế, chủ yếu là ngành kế toán.
Tại phòng 203, tầng 2, nhà A có một phòng thi cũng với khoảng 25 học viên có đầy đủ các thành phần tốt nghiệp, có cả người học phổ thông, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học các ngành khác cũng được tổ chức thi liên thông tại đây. Và trong phòng thi tổng hợp này có 5 chuyên ngành, Kế Toán, Tài chính Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, xây dựng, Công nghệ thông tin...
Trung tâm GDTX và Dạy nghề quận Cầu giấy nơi diễn ra kỳ thi. |
Từ đây xuất hiện nghi vấn, Đại học Quốc tế Bắc Hà đã được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo hệ đào tạo liên thông bao nhiêu chuyên ngành? Trong đề án tuyển sinh của trường này có phương án, phương thức, tuyển sinh các đối tượng đào tạo liên thông này hay không? Căn cứ pháp lý nào lại có thể tổ chức kỳ thi 5 trong 1 phòng thi như vậy?
Mặt khác, Đại học Quốc tế Bắc Hà có trụ sở tại Bắc Ninh, và không có phân hiệu tại Hà Nội. Như vậy, để có thể tổ chức thi tại Hà Nội, theo đúng quy định, trường cần liên kết đào tạo với một trường đại học khác, hoặc phối hợp với một cơ sở giáo dục nào khác và cần được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận bằng văn bản, được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT.
Với những nội dung nêu trên, rất có thể, Đại học Quốc tế Bắc Hà đã tổ chức thi liên thông “chui” tại Trung tâm GDTX và Dạy nghề quận Cầu giấy? Được biết, Chủ tịch hội đồng thi là ông Phạm Văn Hiệp, Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Bắc Hà
Trao đổi với ông Đỗ Phú Việt, GĐ Trung tâm GDTX và Dạy nghề quận Cầu Giấy, ông Việt cho biết: Không biết trường Đại học Quốc tế Bắc Hà thuê địa chỉ trong trung tâm của mình, không biết họ thuê để làm gì và sẽ cho kiểm tra lại.
Hai thí sinh “ngẫu hứng”, cùng một kỳ thi “chuyên nghiệp”
Để tiếp cận khu vực thi, nhóm PV chia làm 2 mũi, hướng thứ nhất PV tiếp cận tầng 2, mũi thứ 2 tiếp cận tầng 4 trong khu vực thi.
Bất ngờ là, khi nhóm PV tiếp cận khu vực thi không hề gặp sự cản trở nào từ lực lượng bảo vệ an ninh khu vực thi (thực tế là không có lực lượng này). Sự bất ngờ càng tăng lên gấp bội, khi PV tiếp cận để ghi nhận khu vực phòng thi, tại tầng 4, thay vì kiểm tra giấy tờ thì lại được các giáo viên tại đây ân cần hỏi: Có tên trong danh sách không, em xem không thấy, thế thì em ở tầng 2!?
Tiếp tục ghi nhận tại tầng 2, một giám thị khác cũng hỏi có tên không, PV bảo không, trên tầng cũng không có! Vậy, vào đây ghi tên danh sách rồi vào thi!? Dù khi ấy, PV mới tiếp cận, mà chưa hề đăng ký tuyển sinh hay có hồ sơ tham gia dự thi, PV cũng vào muộn so với giờ bắt đầu thi rất lâu, nhưng lại được mời vào phòng thi như đã tham gia từ đầu.
Không chỉ một PV được mời vào, mà cả 2 PV được mời vào cùng một cách đầy tự nhiên như vậy. Vậy là, từ chỗ ghi nhận hiện trường, nhóm PV đã “ngẫu hứng” trở thành thí sinh dự thi khi không có sự chuẩn bị từ trước.
Một giám thị nhiệt tình mời thí sinh vào phòng thi tại phòng 203 (ảnh cắt từ video). |
Phòng thi của PV nằm ở phòng 203 tầng 2 nhà A của Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy. Buổi sáng PV được thi 2 môn, một môn tự luận và một môn trắc nghiệm. Phòng thi chỉ có 25 người, nhưng có tới 5 ngành học khác nhau như: Kế toán, quản trị kinh doanh, xây dựng... Và với nhiều hệ đào tạo khác nhau, như văn bằng 2, liên thông Cao Đẳng lên Đại học, liên thông Trung cấp lên Cao đẳng. Tất cả các ngành đào tạo, tất cả các hệ đào tạo trên đều được nhét chung vào cùng một phòng thi. Và thi chung một đề bài.
Với hơn 90 phút thi bài trắc nghiệm, phần lớn thí sinh trong phòng thi dành đến 80 phút để ngủ. Những người không thích ngủ thì ngồi nói chuyện. Không thích nói chuyện thì cứ tự nhiên ra ngoài đi chơi. Còn các giám thị coi thi thì bận dùng điện thoại. Thậm chí, có thí sinh say đến nỗi vào phòng thi chỉ để ngủ, ngủ dậy thì đi nôn, nôn xong lại vào đi ngủ, ngủ dậy thì chép đáp án xong và đi về.
10 phút cuối giờ thi, các thí sinh hối hả chép đáp án mà giám thị đã chép lên bảng và dặn dò cho chép vào bài thi. Cả 25 thí sinh, dù thi nhiều ngành nghề khác nhau, nhiều hệ đào tạo khác nhau, nhưng đáp án thì cả 25 người đều như 1.
Với bài thi tự luận dài 120 phút, các PV đã mất 20 phút để ngủ. Sau đó, giám thị sẽ ân cần đến từng bàn để phát đáp án cho thí sinh chép lại. Buổi thi liên thông do Đại học Quốc tế Bắc Hà tổ chức đã diễn ra như vậy.