Kinh tế chất thải: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

(khoahocdoisong.vn) - 85% lượng chất thải hiện nay đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Trong khi đó, có những dự án, nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng lại đang thiếu rác để vận hành.

Những mô hình đơn lẻ

Nhà máy chất thải rắn Ninh Bình đi vào hoạt động năm 2014, với công suất xử lý 300 tấn rác mỗi ngày thành phân hữu cơ cung cấp ra thị trường. Hiện nhà máy có 2 hầm ủ phân, mỗi hầm có thể chứa 4.000 tấn rác, cung cấp cho thị trường 1.000 tấn phân vi sinh 1 năm.

Tuy nhiên, để sản xuất được phân vi sinh này, các công nhân của nhà máy phải phân loại rác bằng tay để loại bỏ hết rác vô cơ. Tuy đã xử lý được một phần rác thải thành phân vi sinh, nhưng rác thải chôn lấp của nhà máy cũng chỉ giảm được một phần. Nguyên nhân vì rác thu gom đầu nguồn vẫn chưa thể phân loại, nên nhà máy chưa thể tận dụng được triệt để phần rác hữu cơ.

Trong khi đó, Công ty TNHH thủy lực máy và cơ khí là một trong những công ty đang nghiên cứu mô hình sử dụng đốt rác phát điện. Công ty sử dụng công nghệ tác vật chất hữu cơ mô mềm và nước ra khỏi rác thải rắn. Các vật chất hữu cơ này được đưa xuống hầm ủ khí biogas.

Còn các chất thải rắn, xơ bã còn lại được sấy giảm ẩm, sau đó đưa vào lò khí hóa đa nhiên liệu, sản xuất thành khí tổng hợp. Với công nghệ này, dây chuyền sản xuất đốt rác phát điện của công ty không cần phải phân loại rác từ đầu, mà có thể xử lý được rác hỗn hợp…

Bên cạnh việc sử dụng rác thải sinh hoạt, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm cách tận dụng rác thải công nghiệp. Đơn cử như tận dụng tro xỉ để sản xuất gạch không nung như Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Thành An.

Tuy nhiên, việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, nhà quản lý. Đồng thời, việc bên nào có trách nhiệm xử lý tro xỉ vẫn còn chưa được rõ ràng. Cụ thể là doanh nghiệp sản xuất tạo ra tro xỉ phải có khoản hỗ trợ doanh nghiệp xử lý tro xỉ, hay doanh nghiệp xử lý tro xỉ phải trả tiền cho doanh nghiệp tạo ra tro xỉ?

Tư duy quản lý

Là một nước đang phát triển, Việt Nam có lượng phát thải rất lớn. Sự gia tăng dân số nhanh chóng và tăng trưởng các ngành kinh tế công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và làng nghề, y tế và du lịch đã làm phát sinh chất thải ngày càng lớn với thành phần ngày càng phức tạp.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày.

Lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng 25 triệu tấn, đặc biệt, tại các khu vực có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các ngành như sản xuất giấy, nhiệt điện than, hóa chất, phân bón... Đối với chất thải nguy hại, lượng phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 800.000 tấn/năm.

Tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế vào khoảng 450 tấn/ngày. Trong đó, có khoảng 47 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại.

Lượng chất thải rắn từ hoạt động nông nghiệp phát sinh ước tính khoảng hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi.

Tại Việt Nam, có tới 85% lượng chất thải được xử lý chủ yếu bằng chôn lấp, gây ra những tác động dây chuyền như làm suy thoái đất, nước, ô nhiễm không khí… Việc sử dụng biện pháp chôn lấp là chủ yếu cũng đang làm cạn kiệt quỹ đất.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã có các biện pháp tái chế, tái sử dụng hiệu quả để rác thải là đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, năng lượng hoặc tái chế để quay trở lại phục vụ con người.

Do đó, rác thải tại Việt Nam ngày càng tăng, là áp lực cần xử lý của và xã hội, hay là cơ hội để phát triển một ngành kinh tế mới: Kinh tế chất thải, còn tùy thuộc vào tư duy của các nhà quản lý và doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đang dần tìm ra những mô hình mới để xử lý rác thải hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập để các doanh nghiệp này phát triển.

Đơn cử như Công ty Thành An xử lý tro xỉ như đã nêu trên. Theo ông Trần Văn Phú, Giám đốc Công ty Thành An, thì giá gạch từ tro xỉ hiện đang cao hơn so với thị trường nên không nhiều đơn vị xây dựng mặn mà. Nguyên do là doanh nghiệp đang phải đi mua lại tro xỷ với giá cao, nên giá gạch không thể thấp được.

Để giải quyết những vấn đề này, Nhà nước phải đứng giữa điều tiết, có các quy định rõ ràng để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải. Đó cũng chính là những cơ chế để thúc đẩy kinh tế rác thải phát triển.

Theo Đời sống
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
back to top