Đối với quả thanh long, hiện nay chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã có thông báo cho thông quan trở lại. Tuy nhiên, hiện nay hai bên đang tiếp tục hội đàm và thống nhất các biện pháp kiểm dịch để thông quan chính thức trở lại. Do vậy, hiện tại thanh long vẫn chưa được thông quan bình thường trở lại.
Ngày 9/9, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã thông báo tới các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương biết và thông tin đến các doanh nghiệp cơ sản xuất, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc biết để tránh tình trạng vận chuyển lên cửa khẩu không xuất được hàng gây ùn ứ, ách tắc cửa khẩu và thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để có kiến nghị với chính quyền tỉnh Vân Nam và Hải quan Vân Nam sớm khôi phục lại việc thông quan nhập khẩu tất cả các mặt hàng hoa quả tươi của Việt Nam. Thanh long là mặt hàng chủ lực xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).
Thanh long cũng là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia; trong đó, Trung Quốc chiếm tới hơn 80% thị phần.
Mỗi năm Việt Nam sản xuất gần 1,3 triệu tấn thanh long. Địa phương sản xuất thanh long lớn nhất là Bình Thuận và tiếp đến là Long An, Tiền Giang, Đồng Nai…. Trong 8 tháng năm 2021, lượng thanh long cả nước xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc khoảng 700.000 tấn và phần lớn là thanh long của Bình Thuận.
Nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, các địa phương đang đẩy mạnh sản xuất đạt các chứng nhận như: GlobalGAP, VietGAP…. Điển hình như Bình Thuận có diện tích trồng thanh long đạt 33.750 ha; trong đó, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt 11.936 ha, GlobalGAP đạt 517 ha, với sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Long An cũng cho biết, trung bình mỗi năm sản lượng thanh long của tỉnh Long An đạt khoảng 330.000 tấn. Đặc biệt, quả thanh long Châu Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia gồm: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc siết chặt kiểm dịch đối với nhiều mặt hàng; trong đó, có thanh long.
Để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán mở cửa thị trường các loại nông sản. Hiện, Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... các nông sản và đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Không chỉ Trung Quốc, hiện nay, các thị trường nhập khẩu trái cây đều yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Do đó, việc cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu đang được các ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh triển khai. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đã có khoảng hơn 3.600 mã số vùng trồng được cấp. Các mã số được cấp nhằm xuất khẩu sang các thị trường; trong đó có thị trường Trung Quốc. Cùng với đó là hàng nghìn cơ sở đóng gói được cấp phép.
Tuy nhiên, ở một số nơi, chất lượng của mã số vùng trồng chưa đảm bảo dẫn tới phía Trung Quốc hay Malaysia đã có thông báo về việc không tuân thủ. Các doanh nghiệp, địa phương cần quản lý tốt hơn, sử dụng đúng và tránh tình trạng mạo danh hoặc không có mã số nhưng vẫn bịa ra mã số để sử dụng… Các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và hỗ trợ tập huấn, nâng cao ý thức cho người dân để qua đó, tạo sự quản lý theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra.