Khoảnh khắc đặc biệt của cựu Trung tá đặc công bên thềm chiến thắng 30/4/1975

“Chúng tôi cứ ôm nhau ngồi khóc, một cảm giác dâng trào không gì diễn tả được”, cựu Trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc kể lại khoảnh khắc xúc động trước thềm chiến thắng 30/4.

Cựu Trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc chia sẻ, trải qua bao giây phút sinh tử, cận kề cái chết, giây phút tiến vào giải phóng các vùng đất là khoảnh khắc không thể nào quên được của ông và các đồng đội.

Cựu Trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc. Ảnh: NVCC.

Cựu Trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc. Ảnh: NVCC.

2 lần bắn rơi máy bay Mỹ

Cựu Trung tá Nguyễn Đức Phúc sinh năm 1942 tại Hoài Nhơn, Bình Định. Khi ông hơn 10 tuổi thì cha ông tập kết ra Bắc. Ông trải qua một tuổi thơ rất vất vả khi người mẹ của ông phải nuôi một đàn con thơ.

Cuộc đời ông in dấu những năm tháng chiến đấu tại các chiến trường khốc liệt, nhiều lần vào sinh ra tử, chứng kiến sự hy sinh của biết bao đồng đội. Bản thân ông cũng không nghĩ mình được trở về.

Qua mỗi vùng đất, địa danh ông lại xúc động nhớ tới ký ức những năm tháng chiến đấu và những đồng đội đã ngã xuống của mình. Ảnh: NVCC.

Qua mỗi vùng đất, địa danh ông lại xúc động nhớ tới ký ức những năm tháng chiến đấu và những đồng đội đã ngã xuống của mình. Ảnh: NVCC.

Năm 1963, ông là Trung đội trưởng cảnh vệ, Đại đội trưởng trinh sát 16, tỉnh Quảng Nam. Chiếc máy bay Mỹ ông bắn rơi đầu tiên là chiếc L19. Với súng trường K44, ông đã bắn cháy chiếc máy bay này khi nó lao đến bắn rốc két và gọi phản lực đến ném bom đơn vị ông.

Lần bắn rơi máy bay Mỹ thứ 2 vào khoảng năm 1966. Đó là trận đánh không thể nào quên đối với ông và đồng đội. “Chiếc máy bay cách mặt đất chỉ khoảng 100m, tôi đã dùng khẩu 2429 trung liên của Pháp để bắn hạ. Trúng đạn, chiếc máy bay bùng nổ kéo theo những chiếc khác”, ông kể.

Sau trận đánh đó, ông đã được phong Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3, được kết nạp Đảng tại chỗ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, được ra miền Bắc học trường chính trị và trường đặc công vào năm 1969.

Mỗi ngày, ông đều lội suối, vượt đèo, chăm sóc rừng như chính người thân của mình. Ảnh: NVCC.

Mỗi ngày, ông đều lội suối, vượt đèo, chăm sóc rừng như chính người thân của mình. Ảnh: NVCC.

Năm 1970 ông vào miền Nam chiến đấu tại Đồng Nai, Lâm Đồng. Chiến tranh khốc liệt, ông Phúc xác định mình sẽ hy sinh. Nhiều lần, ông viết thư về cho mẹ vì nghĩ mình không còn sống. “Má ơi, có thể con không về nữa, nếu đồng đội con gửi ba lô về cho má là con không còn nữa", tôi đã từng viết như thế về cho mẹ trong một lá thư”, ông Phúc chia sẻ.

Trong những ký ức về chiến trường, có một kỷ niệm in sâu trong tâm trí ông, về khoảnh khắc cận kề cái chết. Đó là trận đánh xáp lá cà của đơn vị do ông chỉ huy với lính Mỹ vào công sự Mỹ ở núi Bà Đen vào năm 1972.

Trời tối đen như mực, không nhìn rõ mặt người, ông Phúc bị một lính Mỹ đánh vào 2 má làm gẫy cả răng. Sau đó, tên lính dùng tay bóp cổ ông Phúc khiến ông chỉ ú ớ chứ không kêu được. Khi đó, trinh sát kỹ thuật Hồng Minh Hải hỏi ông Phúc: “Anh nằm trên hay dưới?”. Ông Phúc trả lời: “dưới”. Ông Hải liền dí súng K54 vào mang tai tên lính, ông Phúc thoát chết trong gang tấc.

Rơi nước mắt khi cùng đoàn quân tiến vào giải phóng

Từ năm 1973 đến năm 1975, ông Nguyễn Đức Phúc là Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công 200C, Tiểu đoàn 840 (Quân khu VI). Trung tá Nguyễn Đức Phúc chia sẻ, tiểu đoàn đặc công quân khu VI của ông không vào Sài Gòn, nhưng đã chiến đấu, tham gia giải phóng các tỉnh theo kế hoạch, chiếm giữ những nơi xung yếu nhất, không cho địch tái lấn chiếm, chờ các đơn vị chủ lực vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đức Phúc thắp hương cho các đồng đội. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Đức Phúc thắp hương cho các đồng đội. Ảnh: NVCC.

Kể về cảm xúc ngày chiến thắng, cựu Trung tá Nguyễn Đức Phúc chia sẻ, cứ giải phóng được vùng đất nào là vui mừng đến đó. Ông nhớ mãi khoảnh khắc trong ngày 19-20/4, khi tiến vào giải phóng thị xã Phan Thiết, ông cùng đồng đội đã vô cùng xúc động.

“Chúng tôi khóc suốt, một cảm xúc dâng trào không thể nào diễn tả được, buồn, vui lẫn lộn. Buồn vì biết bao đồng đội của mình đã hy sinh trước phút giây chiến thắng. Vui vì đất nước đã được giải phóng, mình cùng với đồng đội đã góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi cứ ôm nhau ngồi khóc trước chiến thắng”, ông Phúc xúc động chia sẻ.

Cựu Trung tá Nguyễn Đức Phúc thời trẻ. Ảnh: NVCC.

Cựu Trung tá Nguyễn Đức Phúc thời trẻ. Ảnh: NVCC.

Bao nhiêu năm cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, mỗi địa danh, mỗi vùng đất đều hằn sâu kỷ niệm. Ông kể, mỗi lần chỉ cần nhắc đến, hay đi qua những vùng đất đó, ký ức trong ông lại sống dậy.

“Chẳng hạn giờ đi qua những địa danh như Phan Rang, sân bay Thành Sơn, sân bay Bảo Lộc, hoặc La Ngà (Đồng Nai)… tôi đều nhớ lại những kỷ niệm. Trong đó, cầu La Ngà là nơi đã có biết bao đồng đội của tôi đã hy sinh, mỗi khi tôi đi ngang qua nước mắt vẫn rơi, thân thể nhiều người vẫn nằm lại nơi đây”, ông Phúc nghẹn ngào.

“Khóa cửa rừng bằng trái tim ra”

Sau ngày đất nước thống nhất, cựu Trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc không về quê mà xin chuyển ngành làm ở Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng để giữ rừng. Với ông, rừng có ý nghĩa đặc biệt. Bước chân hành quân của ông đi qua biết bao nhiêu cánh rừng, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, rừng cũng là nơi còn biết bao xương máu đồng đội của ông vĩnh viễn nằm lại.

Giấy chứng nhận Dũng sĩ của Cựu Trung tá Nguyễn Đức Phúc. Ảnh: NVCC.

Giấy chứng nhận Dũng sĩ của Cựu Trung tá Nguyễn Đức Phúc. Ảnh: NVCC.

Bây giờ tận mắt thấy những cánh rừng bị tàn phá, lấn chiếm, ông thấy rất buồn. “Có nhiều đêm tôi ngủ không được, buồn vô cùng. Có những cây to như cột đình bị phá đi. Mỗi năm rừng lại mất đi một ít. Cứ nhắm mắt lại, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh của đồng đội. Trong đêm vắng, tôi lắng nghe tiếng bước chân khe khẽ của những chàng trai trẻ vào trận địa, pháo sáng bay trên đầu”, ông tâm sự về niềm trăn trở của mình.

Khi về hưu, ông Phúc xin Nhà nước nhận khoán 355ha rừng. Ông sống cùng các đồng bào dân tộc Tây Nguyên, mỗi ngày lội suối, vượt đèo, chăm sóc rừng như chăm chính người thân của mình.

Ông đã lập làng Darahoa dưới chân núi Voi (huyện Đức Trọng). Bà con dân tộc thiểu số người Chill, Lạch được kêu gọi về sinh sống trong làng, được cấp đất, được tạo công ăn việc làm từ các công ty du lịch do ông thành lập để không phải phá rừng nữa, mà cùng ông giữ rừng, bảo vệ rừng.

Mỗi ngày, ông đều lội suối, vượt đèo, chăm sóc rừng như chính người thân của mình. Ảnh: NVCC.

Mỗi ngày, ông đều lội suối, vượt đèo, chăm sóc rừng như chính người thân của mình. Ảnh: NVCC.

“Rừng có cửa rừng không có khóa, khóa cửa rừng bằng trái tim ta”, ông Phúc đọc câu thơ và cho biết, đó là nỗi trăn trở, đau đáu của ông đối với rừng. Ông chỉ mong, sẽ có nhiều biện pháp mạnh hơn nữa để giữ được rừng, Bởi rừng chính là lá phổi xanh, đem tới cho mảnh đất Tây Nguyên những đặc trưng khí hậu vô cùng quý giá. Rừng còn là di sản, chứa đựng bao ký ức, ân tình, để mất rừng là điều vô cùng đau xót.

Ông Nguyễn Đức Phúc chia sẻ, mấy chục năm qua, ông vẫn đi tới các nghĩa trang, thắp hương cho đồng đội – những người đã cùng ông vào sinh ra tử nhưng không có được may mắn trở về. Ông đã lập quỹ Nghĩa tình đồng đội để giúp đỡ gia đình những đồng đội của mình. Mấy năm nay, ông dành thời gian đi thăm các đồng đội của mình nhiều hơn. “Tôi muốn làm sao cho cuộc đời mình trọn vẹn không chỉ với Tổ quốc mà còn với những đồng đội, với gia đình đồng đội”, ông Phúc chia sẻ.

Theo Đời sống
back to top