“Khoa học hóa ”bài thuốc dân gian chữa bệnh gan, mật

Dưới sự hợp sức liên ngành của các nhà khoa học, bài thuốc dân gian chữa bệnh gan, mật đã từng bước có cơ hội đến gần hơn với người sử dụng.

Thiết tha làm gì đó mới mẻ, dám chấp nhận thử thách

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp hai bằng độc quyền sáng chế mới cho hai nghiên cứu thuộc đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc".

PGS.TS Dương Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), thư ký đề tài cho biết: Là một quốc gia có mức độ đa dạng sinh học và văn hóa cao, Việt Nam có khoảng 5.000 loài cây thuốc với hàng trăm ngàn bài thuốc đang được sử dụng trong dân gian để chữa bệnh.

cay-trung-cuoc.jpg
Cây trứng cuốc. Hai sáng chế độc quyền vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng thuộc đề tài có tên: “Hỗn hợp chứa cao chiết của các cây trứng cuốc và dứa dại, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa hỗn hợp này có tác dụng bảo vệ gan và lợi mật” và “Phương pháp chiết tách hợp chất Capparilosit A từ cây trứng cuốc”.

Ở vùng Tây Bắc Việt Nam thuộc Chương trình Tây Bắc, ngoài người Kinh (Việt), còn có 30 dân tộc thiểu số cùng sinh sống với dân số khoảng 9 triệu người. Theo các tài liệu hiện nay, mới có 9 dân tộc bao gồm Dao, Giáy, Hoa, Mông, Mường, Sán chay, Sán dìu, Tày, Thái được nghiên cứu về sử dụng cây cỏ làm thuốc, đây là các dân tộc có dân số lớn hơn 10.000 người.

Với điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về dân tộc có thể nói Tây Bắc là khu vực giàu tiềm năng về kho tàng thuốc dân gian để sàng lọc, nghiên cứu, từ đó phát triển thành các loại thuốc chữa bệnh nói chung và chữa bệnh về gan mật nói riêng.

Các bài thuốc dân gian đã được sử dụng qua thời gian dài, với hiệu quả điều trị cho nhiều bệnh nhân, đây chính là ưu điểm khởi đầu. Tuy nhiên, các bài thuốc dân gian chưa được đảm bảo định lượng chính xác và về mặt khoa học chưa được thử nghiệm để chứng minh tác dụng.

Để thực hiện đề tài, cần tập hợp nhiều nhà nghiên cứu ở các chuyên ngành khác nhau, đây là điều không hề dễ dàng. Ngoài ra, việc nghiên cứu một bài thuốc phức tạp hơn nhiều so với nghiên cứu một loài cây nhất định.

phamhungviet(1).jpg
GS.TS Phạm Hùng Việt.

“Thế nhưng, với sự dám chấp nhận thử thách, thiết tha làm cái gì đó mới mẻ, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được và thực hiện thành công”, GS.TS Phạm Hùng Việt, Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường bền vững, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ.

Gian nan hành trình “hiện đại hóa” thuốc dân gian

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, GS.TS Phạm Hùng Việt cho biết, quá trình thực hiện đề tài gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Đầu tiên là việc chiết tách các chất. Trong một cây dược liệu có hàng trăm, hàng nghìn chất khác nhau, để nhận diện được chất mình cần thì phải có những công cụ chiết tách và phân tích hiện đại, không hề đơn giản.

Sự lúng túng đến từ hai góc độ, góc độ của một người đi từ nghiên cứu về vấn đề y và dược và góc độ đi từ những nhà hóa học, mới đầu đã “không gặp nhau”.

Theo đó, từ góc độ của nhà hóa học, thông thường, trong tách chiết các hợp chất thiên nhiên, các nhà nghiên cứu thường dùng dung môi như ethanol rồi cho bay hơi để thu được hợp chất mong muốn chứ không dùng nước vì quá trình tách chiết lâu hơn, tốn kém hơn.

Tuy nhiên, khi thử nghiệm trên động vật, là thỏ và chuột (góc độ y dược) thì trong số 10 con mang ra thử nghiệm đã có con bị chết.

GS.TS Phạm Hùng Việt đem thắc mắc này hỏi GS Oliver Schmitz (Khoa Hóa học ứng dụng, Trường Đại học Duisburg Essen, Đức), một nhà khoa học đã có gần 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về cách hiện đại hóa các bài thuốc Trung y ở Bắc Kinh, Trung Quốc nhờ tư vấn. Vị giáo sư này cho biết, về nghiên cứu thành phần hóa chất nhóm nghiên cứu đã làm đúng, tuy nhiên, khi dùng để thử nghiệm ở trên động vật thì buộc phải hoàn toàn dùng nước. Giống như truyền thống dân gian, khi sắc thuốc không hề dùng cồn mà đều dùng nước.

“Lý do là vì, dùng dung môi hữu cơ có thể chiết nhanh, ra được chất mà nước không chiết được nhưng trong quá trình chiết như vậy có thể chiết ra cả những độc chất không mong muốn khiến chuột chết. Trong khi đó, dùng nước vất vả, khó hơn, mất thời gian hơn, tuy nhiên, đảm bảo an toàn, không có lẫn độc tố. Quả thực sau đó, chuột không chết nữa. Đó là kỷ niệm nhỏ nhưng vui”, GS.TS Phạm Hùng Việt chia sẻ.

GS.TS Phạm Hùng Việt cho hay, một khó khăn nữa là vấn đề bào chế. Ngày xưa, sắc thuốc phải dùng ấm đun sôi, đến nỗi có những lãnh đạo đi nước ngoài cũng vẫn phải mang theo ấm sắc thuốc. Sau đó, đến tễ, viên lại thì tiện lợi hơn.

Với Tây y, để làm khô thành viên nang phải qua nhiều quá trình, trong đó có việc phải thử nghiệm trên động vật xem thời gian phân hủy thế nào, độc tính đến đâu, hạn sử dụng như thế nào, thực hiện test trên lâm sàng…

GS.TS Phạm Hùng Việt đánh giá, việc thành công của đề tài như thế này rất quý. Bởi những bài thuốc dân gian là những bài thuốc cổ phương, được đúc rút cha truyền con nối từ thế hệ trước. Các ông lang, bà mế cũng thành công và thất bại nhiều rồi mới ra được quy luật tương đối. Tuy nhiên, các ông lang, bà mế đó không hiểu được về mặt bản chất.

Đây là đề tài duy nhất mà các nhà nghiên cứu đi từ việc sưu tầm, tuyển chọn các bài thuốc dân gian rồi soi tỏ dưới lăng kính khoa học để tìm ra cách tách chiết những dược chất quý giá, đưa nó thành những sản phẩm dưới dạng bào chế hiện đại và tiện lợi trong sử dụng.

“Mục đích cuối cùng là phục vụ cho sức khỏe con người, đem lại sự an toàn cho con người. Và những gì liên quan đến con người thì đều phải thận trọng”, ông Việt nói.

Đề tài "Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc" đã được thực hiện bởi một nhóm liên ngành, gồm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường bền vững, Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội (nay là Trường Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Hóa (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Trường Đại học Dược Hà Nội. Trong đó, nhóm nghiên cứu về thực vật học, điều tra các bài thuốc dân gian từ Trường Đại học Dược Hà Nội do PGS.TS Trần Văn Ơn làm trưởng nhóm. Việc tập hợp được các nhà khoa học liên ngành đã làm nên thành công của đề tài nhưng theo GS.TS Phạm Hùng Việt cũng là một thách thức khi mỗi người "nhìn theo những góc của mình".

Theo Đời sống
back to top