Khó mà cấm doanh nghiệp hối lộ

Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mấu chốt của vấn đề phòng chống tham nhũng là cán bộ. Doanh nghiệp không đưa thì cán bộ không có để nhận, nhưng cán bộ không nhận thì doanh nghiệp khó mà đưa. Thế nên, chừng nào cán bộ vẫn nhận, vẫn vòi vĩnh thì khó mà cấm hay vận động doanh nghiệp đừng đưa hối lộ.

Đâu chỉ doanh nghiệp mới hối lộ

Năm 2016, Công ty tư vấn quản lý OCD  phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố kết quả khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp. Theo đó, một số lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, nếu không hối lộ, đút lót thì khó mà “qua cửa”, thậm chí doanh nghiệp có thể bị cô lập. Nếu thực trạng đúng như vậy thì dường như tham nhũng đang phổ biến quá?

Đâu chỉ doanh nghiệp mà cái việc hối lộ, đút lót phổ biến cả xã hội, các lĩnh vực khác cũng thế chứ đâu phải chỉ riêng doanh nghiệp. Ai ai cũng kêu là phải “bôi trơn” thì mới xong việc, xã hội này nó như thế nên chuyện tham nhũng, đút lót, hối lộ là chuyện bình thường rồi.

Không “bôi trơn” thì bị gây khó dễ, gây khó dễ một cách lịch sự. Cán bộ không quát tháo, không to tiếng mà vẫn nhẹ nhàng vâng vâng dạ dạ. Nhưng nếu “không có gì” thì họ cứ ngâm đấy chưa giải quyết thì chẳng làm gì được. Vấn đề là không ai thừa nhận điều đó, kể các các nhà quản lý.

Nhưng không đút lót thì bị cô lập, vấn đề nó đã trở nên nghiêm trọng?

Bởi vì thiếu cơ chế công khai minh bạch nên mới như thế. Người dân đi làm các thủ tục hành chính đơn giản, bình thường cũng phải “có gì đó” thì công việc mới dễ dàng, suôn sẻ. Còn không thì bị gây khó dễ ngay.

Bởi thế, không công khai thì không chống được tham nhũng. Công khai minh bạch là để chống lại kinh tế ngầm. Tham nhũng chính là kinh tế ngầm, mà cái đó đã được nghiên cứu hàng mấy chục năm rồi.

Vậy là do cơ chế chứ không phải do người đưa hay người nhận hối lộ?

Đó là mối quan hệ tác động qua lại, nhưng cơ chế kiểm soát không tốt dẫn đến tình trạng người ta đi ngầm với nhau. Chúng ta cũng đã thực hiện điều tra xã hội học, điều tra dư luận xã hội nhưng đâu có nhiều tác dụng đâu.

Doanh nghiệp “bảo kê” cán bộ

Theo ông, việc doanh nghiệp chủ động phòng chống tham nhũng, quyết không đưa hối lộ, đút lót để được việc của mình, có phải là giải pháp tốt chống tham nhũng, thay vì bắt đầu chống tham nhũng từ trên xuống?

Thực ra thì rất khó. Doanh nghiệp họ quan tâm đến lợi ích, làm sao được việc nhất là họ làm, khó mà cấm hay vận động họ đừng đưa hối lộ nữa. Bản thân những cán bộ thì lại hiếm khi nào nói “không”, thành ra chống tham nhũng từ phía doanh nghiệp chỉ là một giải pháp ít mang tính khả thi, mà đó là vấn đề cơ chế.

Từ công tác cán bộ, phải quy hoạch sao cho thật tốt, thật sát. Khi công tác cán bộ làm chưa tốt thì chưa thể nói gì được vì cán bộ là gốc của mọi vấn đề.

Nhưng doanh nghiệp với cán bộ thì đâu có gì liên quan?

Người ta nói rằng có hiện tượng doanh nghiệp “bảo kê” cho cán bộ như một nguồn đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư tiền vào cán bộ để mua chức mua quyền, sau đó cán bộ quay trở lại phục vụ doanh nghiệp. Nếu mà như thế thì làm sao mà bảo doanh nghiệp đừng hối lộ được.

Mối liên hệ này nó gắn kết với nhau chứ không phải là không liên quan gì. Tiền doanh nghiệp đổ vào dự án này dự án kia, đầu tư vào chỗ này chỗ kia, đều phải có bóng dáng của bàn tay nào đấy. Thực trạng này cũng là một thách thức rất lớn với Đảng ta.

Có phải nguồn cơn của tham nhũng đều từ doanh nghiệp?

Doanh nghiệp muốn được việc thì họ tìm cách phải có cái này cái khác, nhiều khi họ cũng muốn “đi tắt, đón đầu”, không thực hiện đúng quy định, thì họ phải tìm cách nọ kia.

Bảo doanh nghiệp đừng hối lộ là rất khó còn gì. Nhưng doanh nghiệp đưa hối lộ mà cán bộ từ chối thì làm sao họ đưa được. Nếu cán bộ cứ đúng quy định của pháp luật mà làm thì liệu doanh nghiệp có “bôi trơn” được không? Thế nên không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp.

Nghĩa là khó mà vận động doanh nghiệp liêm chính?

Rất khó, doanh nghiệp kiểu gì cũng tìm cách tiếp cận với những cán bộ có chức có quyền, bằng quà cáp, cách này cách khác để lấy lòng. Nên mới có chuyện họ biếu cán bộ cả căn nhà, xe hơi. Mà tiền nào bỏ ra thì cũng phải nghĩ đến thu hồi chứ.

Tự nguyện trong nháy nháy

Vậy là việc doanh nghiệp than thở phải đút lót, “bôi trơn” mới được việc, không phải là vấn đề gì mới và đã trở thành phổ biến?

Đúng thế, doanh nghiệp thì luôn tự nguyện trong nháy nháy. Không ai bắt họ phải đưa hối lộ hay bôi trơn cả, nhưng giờ nó đã thành luật bất thành văn, muốn được việc thì phải “tự nguyện”.

Còn cán bộ, bên ngoài thì vẫn nói phải chống tham nhũng, từ chối nhận quà cáp nhưng bên trong thì không ai biết được như thế nào.

Sự phổ biến của hối lộ, đút lót đến mức nếu doanh nghiệp nào không làm theo sẽ bị “cô lập”, vậy là cái sai đã trở thành đa số?

Đó là nỗi nhức nhối trong công tác phòng chống tham nhũng. Việc đút lót ấy trở thành phổ biến, cái sai đã trở thành cái phổ quát thì cực kỳ nguy hiểm, khủng khiếp. Tham nhũng ngày càng tinh vi, kín đáo, ngấm ngầm là vì thế.

Vậy thì vai trò của các cơ quan giám sát ở đâu?

Thì bao nhiêu sai phạm trong xã hội đấy, cơ quan nào giám sát hết được. Bao nhiêu lĩnh vực trong xã hội quá rộng lớn như thế thì giám sát như thế nào? Hơn nữa đây là khoa học quản lý, không phải là vấn đề đơn giản. Vừa rồi kê khai tài sản có một vài người không trung thực.

Người ta cứ nghĩ như thế là tốt, nhưng đâu phải như thế. Đấy cũng chính là vấn đề quản lý đấy chứ. Dường như ta đang không thể quản lý nổi, công tác cán bộ đang có những điều đáng phải bàn.

Lại vẫn là những điều đã cũ, muốn thay đổi phải làm từ gốc là công tác cán bộ?

Đúng thế, cán bộ chính là gốc của mọi vấn đề. Lựa chọn được người có thực tài, thực tâm vào bộ máy, có cơ chế chính sách phù hợp, tạo ra sự minh bạch thì sẽ thay đổi được.

Còn nếu chỉ giải quyết từ một phía, vận động doanh nghiệp minh bạch, đừng đưa hối lộ nữa thì rất khó. Trong khi cứ hối lộ, bôi trơn mới được việc thì doanh nghiệp không dại gì lại không làm theo cái luật bất thành văn đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kết quả khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp năm 2016 cho thấy có 37% doanh nghiệp ở Việt Nam chưa triển khai chính sách về liêm chính trong hoạt động kinh doanh, 29% doanh nghiệp đã triển khai và 34% đang có kế hoạch triển khai. Chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định khác như mua sắm, đấu thầu, luân chuyển cán bộ, tặng quà và nhận quà, khiếu nai, tố cáo. Đối tượng khảo sát gồm 180 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top