Bình luận
Xuất phát điểm là một nền bóng đá có tên tuổi ở Đông Nam Á nhưng trải qua gián đoạn, đầu những năm 1990, bóng đá Việt Nam trở lại với ước mong hội nhập, với giấc mơ nhỏ bé SEA Games, Tiger Cup… Bây giờ, chúng ta đã vươn lên dẫn đầu khu vực và chuẩn bị bước vào một sân chơi mới, nơi những đội mạnh nhất châu Á tìm vé đi World Cup.
Đó là một hành trình dài đằng đẵng với vô vàn xúc cảm thăng trầm, có lúc lên đỉnh vinh quang, hạnh phúc, có lúc chạm đáy đau khổ, tủi hờn… Chỉ biết ngay cả những thời điểm thất vọng tột cùng, tình yêu bóng đá của chúng ta cũng chưa một lần sứt mẻ, để rồi một ông thầy Hàn Quốc đến và mang theo nguồn năng lượng mát lành.
Về cơ bản, lịch sử bóng đá Việt Nam đến giờ có thể chia làm 2 giai đoạn: Trước và trong triều đại HLV Park Hang-seo. Chúng ta cùng nhìn lại giai đoạn trước khi ông Park đến.
HLV Park là kiến trúc sư trưởng làm nên thành công của bóng đá Việt Nam những năm gần đây. Ảnh: Minh Chiến. |
SEAP Games, SEA Games hay nỗi ám ảnh triền miên
Ở kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á đầu tiên, vẫn được biết đến với tên gọi SEAP Games 1959, đội bóng đá Việt Nam đi đường bộ sang Thái Lan để giành Cúp vàng thuyết phục. Giải đấu ghi danh các huyền thoại Phạm Văn Rạng, Nguyễn Văn Tư, Đỗ Thới Vinh..., là mốc son danh giá của một đội bóng Việt Nam trong khu vực.
Bẵng đi 16 năm, chúng ta mới tái xuất ở SEA Games 1991 trên đất Philippines. Chỉ hòa duy nhất một trận trước đội chủ nhà, tuyển Việt Nam không qua vòng bảng.
Thành tích chỉ nhen nhóm lại từ SEA Games 1995, khi thế hệ vàng của Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến bất ngờ giành huy chương bạc tại Chiangmai (Thái Lan). Đấy cũng là khởi nguồn của khát vọng vô địch SEA Games, danh hiệu nhỏ trong ao làng nhỏ, nhưng sự nghiệt ngã lại quá lớn.
Đội tuyển và U23 Việt Nam đã có thêm 4 lần vào chung kết SEA Games trong 14 năm sau đó, tất cả đều là những thất bại đắng cay. Vị đắng mỗi lần mỗi khác, khi do đối thủ trên tầm (1999), khi không vượt qua nổi sức ép sân nhà (2003), khi tự bắn vào chân mình (2005), khi lại thua trong hoàn cảnh tưởng như ăn chắc (2009).
Càng theo đuổi, tấm huy chương vàng càng trốn chạy chúng ta. SEA Games vì thế trở thành nỗi ám ảnh truyền kỳ.
AFF Cup và cái dớp thua bán kết
Tiger Cup, từ năm 2007 đổi tên thành AFF Cup, là giải đấu mà đội tuyển Việt Nam một lần lên ngôi vô địch cùng HLV Henrique Calisto (2008), nhưng cũng một lần mất vàng tức tưởi (1998) và 7 lần khác gục ngã ở ngưỡng cửa bán kết.
Đó đều là những cú ngã điếng người, không những khiến đội bóng mất danh hiệu mà còn lung lạc cả niềm tin của người hâm mộ. Tiger 1998, chức vô địch ngỡ nằm trong tay thầy trò HLV Alfred Riedl, bị đánh cắp bởi cái lưng của Sasi Kumar (Singapore). Những người thuộc thế hệ xưa cũ mỗi lần nhắc lại ký ức này đều tiếc nuối pha lẫn hồ nghi.
Nhiều kỳ AFF Cup sau này, tuyển Việt Nam của các ông thầy Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng… cũng bị trừng phạt bởi những trận bán kết lượt về như "ma ám". Các cầu thủ Việt Nam dễ dàng ném đi lợi thế bởi những sai lầm sơ đẳng như đốt lưới nhà, phạm lỗi 11 m… để rồi cuộc chơi kết thúc bằng những giọt nước mắt dưới sân và ánh nhìn ngơ ngác từ các khán đài.
HLV Park đưa Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 và giành HCV SEA Games 30. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sân chơi châu lục và những địa chấn thoảng qua
Trước khi thầy Park đến, bóng đá Việt Nam cũng đã từng có cơ hội gây tiếng vang ở sân chơi tầm châu Á, nhưng dấu ấn để lại chỉ là những địa chấn thoảng qua.
Đấy là khi Văn Quyến ghi bàn duy nhất mang về chiến thắng trước Hàn Quốc (2003) tại vòng loại Asian Cup 2004. Đấy là khi tuyển Việt Nam với tư cách chủ nhà, quật ngã UAE của nhà cầm quân trứ danh Bruno Metsu ở Asian Cup 2007 nhờ công của Lê Công Vinh và Huỳnh Quang Thanh. Đấy là khi HLV Miura trong giải đấu lớn đầu tay đã giúp Olympic Việt Nam thắng đậm Iran đến 4-1 tại ASIAD 2014.
Tiếc là những thăng hoa đột biến ấy không có sự tiếp nối dài hơi. Người Việt Nam nhớ mãi mốc son hiếm hoi của mình, nhưng ngoài biển khơi, những gợn sóng lăn tăn ấy chẳng tồn tại được bao lâu.
Tuy nhiên, có một kỳ tích mà dư âm của nó đang ngày càng lan tỏa: U19 Việt Nam giành quyền đến U20 FIFA World Cup. Đó là thành phẩm của bộ đôi Hoàng Anh Tuấn - Juergen Gede, tài sản vô giá để lại cho ông Park Hang-seo tiếp quản ghế HLV.
Bây giờ, chúng ta sẽ nói về những gì diễn ra dưới tay thầy Park.
Top 100 thế giới và đỉnh Đông Nam Á
Khi ông Park đến, mục tiêu đầu tiên ông đề ra là đưa Việt Nam vào top 100 thế giới. Không nhiều người dám tin bởi lúc đó, chúng ta mong manh trước Indonesia, e ngại Malaysia và với Thái Lan, vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi từ quá khứ.
Cả U22 và đội tuyển Việt Nam đều đang khủng hoảng. Lực lượng giao thoa có mặt trong cả hai đội là "lứa gà nòi" HAGL còn đang thất thế ngay ở sân nhà V.League, là dàn cầu thủ CLB Hà Nội "làm mưa làm gió" giải quốc gia nhưng lại quen đá với đồng đội "Tây". Phần còn lại mang hơi hướm lò SLNA với lối chơi sức vóc đã không còn phù hợp.
Tuyển Việt Nam bị Indonesia đá văng khỏi AFF Cup năm trước thì năm sau, U22 tệ hơn, không qua nổi vòng bảng SEA Games. HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức, nhường lại cho người chuyên đóng thế Mai Đức Chung gánh vác 2 trận vòng loại Asian Cup của đội tuyển và chờ cứu viện.
Park Hang-seo đến trong bối cảnh các ứng viên sáng giá hơn ông đều né tránh. Bản thân ông Park ban đầu cũng không được ủng hộ tại Việt Nam, nhiều chuyên gia thậm chí nghi ngờ chuyên môn của một HLV đã "ngồi chơi xơi nước" lâu ngày.
Tuy nhiên, nhà cầm quân có giao diện "ngủ gật" này đã thức tỉnh từng phần, sau đó là toàn bộ cơ thể bóng đá Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Park vừa bắt mạch vừa chữa trị, làm cơ thể ấy từ chỗ yếu ớt, tự ti trở thành cứng cáp và mạnh mẽ.
Tuyển Việt Nam vẫn duy trì vị thế dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Y Kiện. |
Trận ra mắt chính thức của ông Park là chiến thắng trước Thái Lan ngay trên sân khách. Chỉ là một trận giao hữu, nhưng nó có tác dụng như thần dược. Nó chỉ ra tuyển Việt Nam không kém cỏi, không nhu nhược, tuyển Việt Nam khi cần có thể thắng bất cứ đối thủ nào và xóa nhòa quá khứ.
Đó là một bước ngoặt để từ đó, ông Park cầm quân thuận buồm xuôi gió, áp đảo các đội bóng cùng khu vực với thành tích bất bại 29 trận, trong đó có 25 trận thắng. Tỷ số phải tương đồng với danh hiệu. Sau 10 năm, tuyển Việt Nam lại vô địch AFF Cup và sau 60 năm, giải tỏa được cơn khát vàng SEA Games.
Giờ thì lời hứa top 100 đã quá nhẹ nhàng để thành sự thật. Chúng ta đang xếp thứ 92 trên bảng xếp hạng FIFA tháng 5/2021, nhưng thứ hạng này sẽ còn thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn khi cập nhật kết quả trong tháng 6. Chúng ta cũng là đội duy nhất trong khu vực còn trụ lại ở cuộc chơi vòng loại World Cup.
Và tuyển Việt Nam ở trên đỉnh Đông Nam Á là xứng đáng, vì từ 2018 đến nay, chúng ta đã quen với nhịp thở ngoài châu lục.
U23 châu Á và giấc mơ World Cup
Ngoài châu lục, các đội bóng do HLV Park dẫn dắt đã từ lâu không còn ở diện lót đường. Giải đấu đầu tiên - U23 châu Á ở Thường Châu - có thể là một bất ngờ, nhưng ngôi vị á quân với lá cờ đỏ sao vàng trên tuyết trắng thì mãi mãi là một hình ảnh Việt Nam quả cảm và thuyết phục.
Từ nền tảng ấy, ông Park ngày càng thuận lợi hơn trong việc xây dựng cho mình đội ngũ nhân sự quen thuộc, lối chơi nhất quán và có sự kế thừa cho cả U23 lẫn tuyển quốc gia. Bởi vậy, dù là giải đấu cho đối tượng nào, gián đoạn bao lâu vì dịch bệnh…, khi tiếp quản đội, ông vẫn duy trì nhịp điệu.
Thói quen ưu ái những người tin cậy của ông Park khiến nhiều tuyển thủ phải căng sức mọi mặt trận như Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng, Đỗ Hùng Dũng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Hoàng… có những người phải đánh đổi bằng chấn thương dai dẳng nhưng bù lại, tập thể được lợi từ sự ổn định và thấu hiểu.
Tuyển Việt Nam lúc này gồm đa số các cầu thủ đã chơi với nhau liên tục 3 năm ròng rã, kinh qua các cột mốc lịch sử như top 4 ASIAD, tứ kết Asian Cup… đều là các giải đấu quan trọng nhất của châu Á. Bởi vậy, việc chúng ta vào đến vòng loại thứ ba World Cup cũng là kết quả nằm trong dự liệu.
Tiến Linh ghi bàn vào lưới UAE ở cả 2 lượt trận tại vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Y Kiện. |
Đành rằng đội bóng của ông Park may mắn khi rơi vào một bảng đấu không khác gì AFF Cup thu nhỏ, với đội duy nhất ngoài khu vực là UAE, nhưng chúng ta đã đón nhận cuộc chơi bằng toàn bộ những gì chuyên nghiệp nhất.
Ban huấn luyện của ông Park chuyên nghiệp từ thái độ tôn trọng mọi đối thủ, cách tính toán điểm rơi từng giai đoạn đến bố trí nhân sự cho từng hoàn cảnh.
Đã có nhiều khó khăn không lường trước trên đất UAE, như sự vắng mặt của Đỗ Hùng Dũng, Đặng Văn Lâm, hay Nguyễn Tuấn Anh chỉ chơi được 36 phút… Nhưng tuyển Việt Nam bằng bản lĩnh, bằng trình độ đã được trui rèn, lạnh lùng bù đắp và vượt qua tất cả.
Cả vòng loại thứ hai, tuyển Việt Nam chỉ thất bại duy nhất một lần - trận đấu không có HLV Park chỉ đạo. 3 bàn thua trước UAE cho chúng ta hiểu mình đang đứng ở đâu, nhưng 2 bàn gỡ của Nguyễn Tiến Linh và Trần Minh Vương cũng chứng minh kiên trì và cách mạng sẽ mang về kết quả. Một trận thua vừa đủ để lĩnh hội những bài học quý mà vẫn thắp lên hy vọng.
Bây giờ chúng ta đang gần giấc mơ lớn hơn bao giờ hết. Thầy trò ông Park cũng bắt đầu phải chuẩn bị hành trang cho một cuộc chơi mới hoàn toàn khác về trình độ. Ở đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia… những ông lớn mà chỉ riêng việc được đối đầu với họ cũng đã là phần thưởng cho một nền bóng đá Đông Nam Á.
Thật sự khó nếu tuyển Việt Nam muốn ngay lập tức chen chân vào World Cup 2022, nhưng quỹ thi đấu 10-12 trận ở đẳng cấp hàng đầu châu lục là tài sản vô giá cho tham vọng vươn tầm. Bước ra từ đó, chúng ta có tích lũy, có trưởng thành, có tư thế để tìm kiếm cơ hội thực tế hơn, khi World Cup 2026 mở rộng cánh cửa cho 48 đội. Với HLV Park, nấc thang nào rồi cũng có thể vượt qua.